Mỹ tăng cường can dự ở châu Phi

01:07, 14/07/2012
Ðối với vị Tổng thống Mỹ gốc Phi B.Ô-ba-ma thì châu Phi là "châu lục tương lai của thế kỷ 21". Nhưng vùng đất này luôn bị đe dọa bởi những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan khiến không chỉ dân chúng châu Phi mà ngay cả người Mỹ cũng hết sức lo ngại.
Hiện trường vụ đánh bom ở ngoại ô Thủ đô A-bu-gia, Ni-giê-ri-a.
Hiện trường vụ đánh bom ở ngoại ô Thủ đô A-bu-gia, Ni-giê-ri-a.

Vì vậy, ông Ô-ba-ma ngay từ khi trở thành Tổng thống Mỹ đã muốn tăng cường can dự và mở rộng hơn nữa sự hiện diện của "chú Sam" ở châu Phi. Ngay sau khi đắc cử năm 2009, ông Ô-ba-ma đã lần đầu có chuyến thăm Ga-na nhằm thúc đẩy kế hoạch tăng cường can dự ở châu Phi của Oa-sinh-tơn.

Giữa tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo chính trị và đại diện kinh tế cấp cao của Mỹ và các quốc gia châu Phi tại Hội nghị cấp cao về tăng trưởng châu Phi và cơ hội hành động (AGOA) ở Oa-sinh-tơn đã tập trung thảo luận Chương trình khuyến khích tăng trưởng kinh tế của Mỹ ở châu Phi. Ðây là cơ hội thuận lợi để Tổng thống Ô-ba-ma giới thiệu chiến lược châu Phi mới đầy tham vọng của Mỹ, theo đó sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại, tăng cường hòa bình và an ninh, khuyến khích quản lý tốt và củng cố các thể chế dân chủ ở châu lục này. Mỹ có kế hoạch xây dựng căn cứ không quân ở Nam Xu-đăng, bổ sung lực lượng cho các căn cứ đã có ở Buốc-ki-na Pha-xô, Mô-ri-ta-ni, Gi-bu-ti, Ê-ti-ô-pi-a, Kê-ni-a và Xây-xen.

Ðối phó mặt trận khủng bố mới ở châu Phi

Chuyên gia châu Phi, Phó Giám đốc Hội đồng chuyên gia tư vấn Ðại Tây Dương của Mỹ, bà Brôn-uyn Bru-tơn cho rằng các hoạt động tình báo của Mỹ ở châu Phi không phải là điều gì mới. Từ năm 2007, Mỹ đã có sự hiện diện quân sự ở đây, các hoạt động tình báo và số lượng các căn cứ không quân tăng lên nhanh. Nhiều chuyên gia an ninh cho rằng, Mỹ xác định châu Phi là mặt trận tiếp theo của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, bởi mạng lưới An Kê-đa ngày càng di chuyển hoạt động về hướng Y-ê-men và từ đó xâm nhập các nước khu vực vùng Vịnh. Tổ chức khủng bố An Kê-đa đã xuất hiện ở Xô-ma-li-a và có khả năng chúng sẽ hợp tác với nhóm Hồi giáo Bô-kô Ha-ram ở Ni-giê-ri-a. Bằng việc tăng cường sự hiện diện quân sự của mình, Mỹ muốn cùng các nước châu Phi ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố. Trong khi các căn cứ không quân ở Buốc-ki-na Pha-xô và Mô-ri-ta-ni được sử dụng để giám sát các nhóm An Kê-đa ở khu vực Ma-grếp Hồi giáo thì các căn cứ ở U-gan-đa làm nhiệm vụ săn lùng phiến quân "Quân đội kháng chiến của Chúa" và thủ lĩnh Giô-dép Kô-ni của lực lượng này. Ngược lại, các  máy bay Mỹ ở Gi-bu-ti, Ê-ti-ô-pi-a, Kê-ni-a và Xây-xen lại theo dõi hoạt động của phiến quân du kích An Xa-háp ở Xô-ma-li-a.

Do thám để bảo đảm an ninh

Cựu Ðại sứ Mỹ ở Ê-ti-ô-pi-a Ð.Sin cho biết, hoạt động do thám của Mỹ ở châu Phi ngày càng tăng rõ rệt, nhưng chiến lược rất khác với trách nhiệm của Mỹ ở Trung Ðông. Theo ông Sin,  tất cả các cuộc can thiệp, trừ ở Gi-bu-ti, là rất nhỏ và chủ yếu liên quan tới các biện pháp giám sát, không có các cuộc tiến công tên lửa lớn như ở Jemen. Còn theo bà Bru-tơn thì Mỹ không muốn quân sự hóa chính sách châu Phi hoặc xây dựng ở đây một sự hiện diện quân sự lớn và trong tương lai Mỹ sẽ ngày càng ít sử dụng lực lượng mặt đất, bởi không chỉ lo sợ trước các cuộc phản công của lực lượng nổi dậy và các nhóm khủng bố, mà cả vì thực hiện can thiệp như thế sẽ tốn kém hơn nhiều. Thay vào đó, chính quyền Ô-ba-ma sẽ hỗ trợ các đơn vị quân địa phương. Các thông tin từ chương trình do thám của Mỹ sẽ được chính phủ các nước châu Phi sử dụng để kiểm soát tốt hơn những hoạt động khủng bố đối với đất nước họ. Sở Chỉ huy khu vực của Mỹ ở châu Phi - AFRICOM thường xuyên trao đổi thông tin với các đối tác châu Phi để chống lại những kẻ đe dọa an ninh khu vực và giữ ổn định cho châu Phi. Sự hợp tác này góp phần tích cực trong việc hỗ trợ nhiều nước châu Phi ngăn chặn hoạt động của các nhóm khủng bố và sự tàn bạo ngày càng tăng của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Tây Phi.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com