Các quan chức cấp cao về ngoại giao, quốc phòng Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí xúc tiến các cuộc hội đàm song phương về cách thức bảo đảm vận hành an toàn trực thăng vận tải MV-22 Osprey. Đây được coi là hành động nhằm xoa dịu dư luận và giảm bớt mối lo ngại về độ an toàn của các trực thăng vận tải MV-22 Osprey mà quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai tại căn cứ quân sự Phư-tên-ma ở Ô-ki-na-oa, miền Nam Nhật Bản, vào cuối năm nay.
Mỹ dự kiến triển khai máy bay Osprey tại Ô-ki-na-oa nhằm thay thế cho thế hệ trực thăng vận tải CH-46 đã lạc hậu. Tuy nhiên, những tai nạn liên quan đến máy bay Osprey thời gian gần đây khiến cư dân địa phương lo ngại tính an toàn của loại máy bay này. Đầu tuần này, 12 máy bay MV-22 Ospreys đã được đưa đến căn cứ hải quân Mỹ tại sân bay I-oa-cư-ni ở tỉnh Y-a-ma-gư-chi của Nhật Bản. Trước khi được triển khai tại căn cứ Phư-tên-ma, phía Mỹ hy vọng sẽ bắt đầu tiến hành các chuyến bay thử vào tháng tới.
Máy bay MV-22 Ospreys được đưa đến căn cứ hải quân Mỹ tại sân bay I-oa-cư-ni ngày 23-7. Ảnh: Roi-tơ |
Vấn đề nảy sinh khi cách đây không lâu, một chiếc trực thăng Osprey đã gặp tai nạn khi đang tham gia huấn luyện tại bang Phlo-ri-đa của Mỹ, làm 5 thành viên phi hành đoàn bị thương. Ngoài ra, Osprey còn liên quan đến một vụ tai nạn tương tự tại Ma-rốc tháng 4-2012. Hai vụ việc xảy ra liên tiếp khiến nhiều người dân ở Ô-ki-na-oa lo ngại và đã tập trung biểu tình phản đối kế hoạch triển khai loại trực thăng vận tải này tại căn cứ Phư-tên-ma, vốn tọa lạc ngay giữa khu vực đông dân cư. Ngay cả Tỉnh trưởng Ô-ki-na-oa cũng hối thúc Chính phủ Nhật Bản ngừng triển khai trực thăng vận tải MV-22 Osprey tại Phư-tên-ma và tuyên bố, chính quyền Ô-ki-na-oa không thể cho phép Mỹ triển khai loại máy bay cánh quạt này theo kế hoạch một khi nguyên nhân của các vụ tai nạn chưa được làm rõ.
Trước áp lực của dư luận phản đối, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thậm chí đã phải thành lập một nhóm phân tích, đánh giá độ an toàn của loại máy bay vận tải này.
Cuộc gặp tại Oa-sinh-tơn ngày 27-7, phía Nhật Bản tuyên bố không thể chấp nhận các chuyến bay của trực thăng Osprey tới khi nào độ an toàn của loại máy bay này được xác nhận, trong khi phía Mỹ cam kết sẽ hợp tác.
Trước đó, tại một cuộc gặp trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp Mỹ-Nhật tại Tô-ki-ô, phía Nhật Bản đã đề nghị Mỹ để các máy bay Osprey hoạt động trên biển nhiều nhất có thể, đồng thời công bố kết quả điều tra về hai vụ tai nạn của loại máy bay này tại Ma-rốc và Mỹ. Các quan chức hàng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng cho rằng, Mỹ và Nhật cần phối hợp chặt chẽ để xóa bỏ sự lo ngại về tính an toàn trong việc triển khai các máy bay MV-22 Osprey tại Nhật Bản.
Dự kiến, vấn đề này sẽ tiếp tục được đem ra bàn thảo trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản S.Mô-ri-mô-tô đầu tháng 8 tới./.
Theo: qdnd.vn