Một hướng đi mới của Tổng thống Putin ?

07:07, 03/07/2012

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh G20 Los Cabos (18 – 19-06, Mehico), ngày 25 và 26-6, Tổng thống Nga Putin đã ̃ có chuyến công du ba nước Trung Cận Đông là Israel, Palestin và Jordani.

Tuy nhiên, nếu đặt chuyến đi của Tổng thống Putin trong khung cảnh động loạn của Bắc phi – Trung Đông trong 16 tháng qua, và xa hơn là sự bế tắc của tiến trình hòa bình Trung Đông từ đầu thập kỷ 90 (TK 20) đến nay, thì phải chăng đây sẽ là một bước đi có tính đột phá nhằm tháo gỡ một trong những điểm nóng nhất của quan hệ quốc tế đương đại.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Palestin Abbas sau tuyên bố chung tại Bethlehem hôm 27-6 (ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Palestin Abbas sau tuyên bố chung tại Bethlehem hôm 27-6 (ảnh: Reuters)

Chiến tranh lạnh đã trôi qua hơn 20 năm nhưng dường như thói quen giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là các cuộc tranh chấp, xung đột khu vực theo kiểu bạo lực, phe khối vẫn còn rất khó rũ bỏ, trước hết đối với các cường quốc. Trong trường hợp Syria chẳng hạn, phe chính phủ của Tổng thống Bashar al – Assad luôn được gắn với Nga, còn phe chống đối thì ngược lại, luôn có các nước phương Tây bên cạnh. Những nhà tổ chức nên các hội nghị kiểu như “Syria và những người bạn” chưa bao giờ có ý định mời đại diện của ông Assad. Kết quả là một sự bế tắc suốt 16 tháng qua, đến mức độ, ngày 28-6 vừa qua, ông Assad đã phải lên tiếng thừa nhận “Syria đang trong tình trạng chiến tranh”. Tương tự như vậy, trong tiến trình hòa bình Trung Đông, chưa bao giờ tất cả các bên liên quan được mời tham dự vào tiến trình này. Cách hành xử của các cường quốc lại càng làm cho các cuộc xung đột này thêm khó giải quyết bởi họ luôn muốn áp đặt những công thức (mà trong không ít tình huống, bản thân họ cũng không dám tin tưởng là hiệu quả) được xây dựng, trước hết, trên cơ sở lợi ích của chính họ. Với ưu thế của mình, các nước lớn thường xuyên sử dụng các biện pháp vũ lực, cấm vận kinh tế, cô lập ngoại giao, v.v. như một liều thuốc vạn năng nhằm giải quyết mọi cuộc xung đột. Tình hình phức tạp trên Biển Đông trong tuần qua lại càng minh chứng rõ hơn cho cách hành xử của các nước lớn, bất chấp cả hệ thống luật chơi do chính họ định ra. Hệ quả khó tránh là hầu hết các cuộc xung đột được giải quyết dưới áp lực của các nước lớn thường kéo dài, không triệt để hoặc để lại những di chứng hết sức nguy hiểm.

Chính trong bối cảnh như vậy, chuyến đi của tổng thống Putin đến vùng nóng Trung Đông cho thấy một cách tiếp cận mới, một hướng đi tuy không mới trong tư duy nhưng rất mới trong thực hiện.Điều này thể hiện ở một số điểm sau:

Cố gắng tiếp xúc với nhiều bên liên quan

Trong chuyến công du Trung Cận Đông, Tổng thống Putin đã tiếp xúc với ít nhất 3 lực lượng chủ chốt liên quan tới các vấn đề của khu vực: Thủ tướng Netanyau (Israel) và Tổng thống Mahmoud Abbas (Palestin) – 2 bên liên quan trực tiếp trong tiến trình hòa bình Trung Đông; Quốc vương Jordani Abdullah II, thành viên quan trọng của Liên đoàn Ả Rập. Nếu ghép thêm các cuộc gặp giữa Nga với các nước phương Tây tại Los Cabos, với đặc phái viên của Liên đoàn Ả Rập và Liên Hợp Quốc Koffi Annan cũng như mối liên hệ thường xuyên giữa Nga với chính phủ Syria và Iran, thì rõ ràng, ông Putin chỉ còn chưa tiếp xúc với lực lượng Hamass hoặc phe nổi dậy ở Syria nữa mà thôi. Hiển nhiên, để giải quyết được xung đột, việc tiếp xúc với các bên liên quan là điều đương nhiên phải làm. Tuy nhiên, trên thực tế, do cách đánh giá xuất phát từ những lợi ích của mỗi quốc gia nên chẳng bao giờ có được một cách tiếp cận tổng thể. Luôn tồn tại sự bất bình đẳng với sự ưu ái cho một bên và sự áp đặt cho phía còn lại. Một nghịch lý là trong quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ hay Trung Quốc và Mỹ tính tùy thuộc lẫn nhau luôn được nhắc đến, nhưng trong các xung đột, tranh chấp khu vực các bên liên quan lại được các nước lớn này tập hợp riêng rẽ, thậm chí luôn trong tình trạng đối lập nhau. Điểm mới trong cách tiếp cận của Putin chính là sự cân bằng – thể hiện trước hết trong việc lắng nghe quan điểm của các bên.

Cố gắng dung hòa lợi ích của các bên

Cách tiếp cận của Putin với Israel cũng là một điểm mới trong chuyến viếng thăm lần này. Khác biệt trong quan điểm giữa Nga với Israel, cũng giống như với phương Tây, đã tồn tại từ lâu và rất khó dung hòa. Nhưng có lẽ cũng xuất phát từ lối tư duy cổ điển như vậy mà hai bên chưa bao giờ muốn thực sự lắng nghe quan điểm của nhau. Trong quá trình thảo luận với thủ tướng Netanyau, tổng thống Putin đã thể hiện quan điểm “Israel có những điểm đúng nhưng không phải tất cả”. Thí dụ như trong vấn đề Iran, ông Putin đồng ý quan điểm là Iran không được có và không được có khả năng chế tạo bom nguyên tử, nhưng ông cũng nhấn mạnh, Nga kiên quyết phản đối bất cứ một giải pháp quân sự nào hoặc các trừng phạt đơn phương. Hoặc như trong vấn đề Syria, Tổng thống Putin ủng hộ giải pháp thành lập một chính phủ liên hiệp (điều này có nghĩa để ngỏ khả năng ra đi tự nguyện của Tổng thống Bashar al – Assad) nhưng chống lại mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Thực tế, Tổng thống Putin đã có cách tiếp cận cân bằng lợi ích với Israel ngay từ năm 2005, khi ông thực hiện chuyến viếng thăm lần đầu đất nước Do thái (trớ trêu là Tổng thống Obama chưa tới Tel Aviv trong suốt nhiệm kỳ).

Cách tiếp cận này cũng được ông Putin thể hiện trong các cuộc tiếp xúc với Tổng thống M. Abbas và quốc vương Abdullah II. Một mặt, Tổng thống Putin kiên quyết phản đối kế hoạch tấn công quân sự của Israel nhằm vào Iran, mặt khác, ông cũng nhấn mạnh, sự ổn định của Trung Đông sẽ chỉ có khi các nước Ả Rập coi trọng Iran.

Đương nhiên, dung hòa được lợi ích của các nước lớn cũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và không dễ chút nào đối với Putin nhưng đương nhiên phải thực hiện vì nó là một bộ phận không thể thiếu trong cách tiếp cận này.

Tất nhiên, đây cũng chỉ là những suy nghĩ có tính gợi mở nhân một chuyến công du của Putin. Liệu đây có thể được coi là một hướng đi nhằm tháo gỡ các điểm nóng trên thế giới và rằng liệu có thể hiện thực hóa được không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của các bên liên quan, trước hết là của các nước lớn. Bởi sự công tâm từ các nước lớn luôn là điều khó xảy ra trong đời sống quốc tế.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com