Lệnh cấm vận dầu mỏ của EU đối với I-ran chính thức có hiệu lực

08:07, 02/07/2012

Sau gần nửa năm trì hoãn, ngày 1-7, lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với ngành dầu mỏ I-ran chính thức có hiệu lực. Động thái này diễn ra sau khi vòng đàm phán giữa I-ran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức) tại Mát-xcơ-va diễn ra ngày 19 và 20-6 vừa qua thất bại.

Quyết định chính thức áp dụng đầy đủ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với I-ran từ ngày 1-7 đã được EU thông qua ngày 25-6 vừa qua. Theo đó, biện pháp cấm vận của EU chống I-ran bao gồm cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và vàng của I-ran. Trước đó, ngày 28-6, lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Ngân hàng trung ương I-ran, ngân hàng có nhiệm vụ giao dịch tài chính cho lĩnh vực xuất khẩu dầu của I-ran, cũng bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, các công ty có giao dịch tài chính với Ngân hàng trung ương I-ran sẽ không có quyền tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ.

EU cũng như Mỹ dùng lệnh cấm để thắt chặt các biện pháp gây sức ép nhằm ngăn ngừa I-ran có thêm tài chính mở rộng chương trình hạt nhân mà theo họ là nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân. Lệnh cấm vận dầu mỏ này của EU đối với I-ran đã phải trì hoãn gần nửa năm do nhiều quốc gia phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn dầu thô của I-ran để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Các ngoại trưởng khối EU cho rằng đã đến lúc lệnh cấm vận cần được thực hiện. EU cũng cảnh báo sẽ áp dụng nhiều biện pháp thắt chặt hơn nếu Tê-hê-ran tiếp tục phớt lờ các yêu cầu từ cộng đồng quốc tế về việc hạn chế hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Trong khi đó, I-ran cho rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm sản xuất điện và phục vụ mục đích hòa bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran Ra-min Mê-man-pa-rát đã phản đối quyết định trên của EU và cho rằng, quyết định cấm vận dầu mỏ của EU đối với I-ran sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các thành viên EU. Bộ trưởng Dầu mỏ I-ran Rô-xtam Ca-xê-mi cảnh báo lệnh cấm vận dầu mỏ sắp được áp đặt với I-ran sẽ gây bất ổn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu. Theo ông, "cách tiếp cận mang động cơ chính trị này của châu Âu sẽ gây phương hại đến sự ổn định của cả thị trường dầu mỏ và nền kinh tế thế giới".

I-ran là thành viên lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), xuất khẩu 2,5 triệu thùng/ngày và chiếm 3% sản lượng dầu thô của thế giới. Năm 2011, châu Âu đã mua của I-ran 450.000 thùng dầu/ngày. Theo nguồn tin từ ngành công nghiệp sản xuất dầu mỏ, xuất khẩu của I-ran sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày, tương đương với khoảng 90 triệu USD khi các hình thức xử phạt và cấm vận của EU được áp dụng bắt đầu từ ngày 1-7. Trong khi một số người lo ngại các lệnh trừng phạt I-ran từ ngày 1-7 sẽ tác động mạnh đến luồng thương mại tự do của thế giới thì lãnh đạo các nước EU khẳng định, lệnh trừng phạt trên sẽ gây tác động không đáng kể đến thị trường dầu mỏ thế giới vì hai lý do: Nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới A-rập Xê-út đã tăng sản lượng xuất khẩu và bất ổn kinh tế - tài chính tại châu Âu.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, lệnh cấm vận của EU sẽ có tác động tiêu cực đến cuộc đàm phán cấp chuyên viên sắp tới giữa I-ran và Nhóm P5+1, dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố I-xtan-bun của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 3-7 tới./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com