1. Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45), diễn ra tại thủ đô Phnôm Pênh của Cam-pu-chia, đã không ra được Tuyên bố chung. Đây là một sự việc chưa từng có. Một hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN mà không đưa ra Tuyên bố chung sẽ không phản ánh được nội dung trao đổi, bàn thảo giữa các đại biểu, thông báo những kết quả tích cực đã đạt được trong hội nghị, cũng như những cuộc họp giữa ASEAN và các đối tác.
Các đại biểu dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại phiên họp toàn thể sáng 9-7. Nguồn: An ninh Thủ đô |
Trong khi trên thực tế, những kết quả đó là có!
Trong những ngày diễn ra hội nghị, các thành viên ASEAN đã nhất trí dành ưu tiên cao nhất để hiện thực hóa lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, chủ động phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác xây dựng lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác. Có thể thấy điều này qua hàng loạt những dự án do các đối tác đưa ra, như Quỹ phòng bệnh sốt rét kháng thuốc của Ô-xtrây-li-a, Ủy ban về hợp tác kết nối Trung Quốc - ASEAN cả trên bộ và trên biển, Dự án tài trợ 15 triệu ơ-rô của EU giai đoạn 2012-2016 cho Chương trình “EU hỗ trợ ASEAN liên kết khu vực”, Sáng kiến Gắn kết chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và học bổng Fulbright mới dành cho sinh viên ASEAN của Mỹ…
Tuy nhiên, những khác biệt về lập trường xung quanh vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những trở ngại chính khiến cho AMM-45 không có được Tuyên bố chung - một văn kiện lẽ ra không những chuyển tải được quan điểm của ASEAN về Biển Đông, mà còn phản ánh được những nội dung tích cực nêu trên đạt được trong suốt quá trình diễn ra hội nghị.
Nhiều nhà ngoại giao Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Việt Nam và cả Tổng thư ký ASEAN Su-rin Pit-su-van đều bày tỏ sự không hài lòng hoặc rất lấy làm tiếc vì Hội nghị ngoại trưởng ASEAN đã không có được Tuyên bố chung này. ASEAN đã bỏ lỡ một cơ hội để thể hiện mình như một khối, cùng tiến về phía trước trong việc thể hiện sự đồng thuận xung quanh những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của các thành viên.
Xa hơn, việc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN không ra được Tuyên bố chung còn khiến người ta lo âu về tiến trình hình thành Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN, một trong ba cột trụ hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Giờ đây, khi những cảm xúc đã dần lắng xuống, câu hỏi đặt ra là ASEAN sẽ phải làm gì tiếp theo, để sự cố ở Phnôm Pênh, như lời của Tổng thư ký ASEAN Su-rin Pit-su-van, chỉ là một “cú nấc” nhỏ, không thể làm câu chuyện lớn dừng lại?
2. Cuộc chiến tranh lạnh kết thúc đã để lại ở khu vực Đông Nam Á một di sản không ai ngờ tới: Sự xích lại giữa các nước thành viên ASEAN “cũ” và các nước Đông Dương, để rồi dần hình thành nên một ASEAN đầy đủ với mười thành viên - mười nhánh lúa trong bó lúa ASEAN!
Sau những năm tháng dài nghi kỵ, một ASEAN với những nguyên tắc căn bản, hòa bình, hữu nghị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đồng thuận, đã trở thành một hiệp hội các nước có mối liên hệ chặt chẽ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. ASEAN dần dần trở thành một trục trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh quốc tế; là đầu tàu thúc đẩy kinh tế trong toàn khu vực, đóng vai trò ngày càng lớn trong đối thoại với các quốc gia, các tổ chức quốc tế ở tầm khu vực cũng như toàn cầu.
Trên lộ trình để hình thành một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, dĩ nhiên ASEAN không tránh khỏi vài trở ngại, thách thức tính thống nhất của ASEAN, như sự cách biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa một số các nước thành viên đòi hỏi một ASEAN phải phát triển với nhiều tốc độ; rồi những bất đồng giữa một vài thành viên trong các vấn đề song phương (chẳng hạn như tranh chấp giữa Thái Lan và Cam-pu-chia xung quanh khu đền Preah Vihear) v.v..
Nhưng cuối cùng, ASEAN đã vượt qua, để tiếp tục đóng vai trò như một tổ chức trung tâm trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Lần này, việc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Phnôm Pênh không ra được Tuyên bố chung chắc chắn là đáng tiếc. Điều khá ngạc nhiên là ASEAN đã chưa thống nhất được với nhau, không phải trên một vấn đề sẽ xảy ra trong tương lai, mà lại trên một vấn đề đã xảy ra trong quá khứ! Đó là tranh chấp giữa một số thành viên ASEAN với Trung Quốc là tranh chấp mang tính đa phương, phải được giải quyết trên cơ sở hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, nay lấy lý do chưa đạt được sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông để không ra được tuyên bố chung, rõ ràng ASEAN đang bị rơi vào một tình trạng khó khăn.
3. Từ nhiều năm trước, cựu Thủ tướng Xin-ga-po, ông Go Chok Tong, đã từng đưa ra lời tuyên bố: “Nếu ngừng lại như trong quá khứ, chúng ta sẽ bị vây hãm giữa sa mạc thời gian!”.
Trên quốc huy của một quốc gia ASEAN cũng có dòng chữ “Thống nhất trong đa dạng”.
ASEAN đã phát triển trong nhiều thập kỷ qua với tất cả sự đa dạng của hiệp hội, đương đầu được với những thách thức đã và vẫn còn đang chờ đón ở phía trước.
Sự cố ở Phnôm Pênh lần này chỉ ra rằng, các nước thành viên của ASEAN càng cần phải nâng cao trách nhiệm trong việc tôn trọng lợi ích của mỗi quốc gia thành viên cũng như toàn hiệp hội, điều mà Việt Nam đã thực thi như một thành viên có trách nhiệm, cả trên lời nói cũng như hành động, trong suốt những năm tháng qua.
Có nghĩa là, những quyết định đã có trước đó của ASEAN vẫn cần tiếp tục triển khai, trong đó đặc biệt quan trọng là hướng tới việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh trên Biển Đông.
Có hướng tới phía trước như thế, ASEAN mới tiếp tục duy trì được sự đoàn kết, trở thành trụ cột giải quyết các vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế. Và chỉ có hướng tới phía trước với tư cách là một khối thống nhất, ASEAN mới không vấp phải nguy cơ bị vây hãm trong sa mạc thời gian, điều mà vị cựu Thủ tướng Xin-ga-po đã từng cảnh báo.
Theo qdnd.vn