Từ tháng 4-2012, Học viện Trần Nhân Tông (Tran Nhan Tong Academy) được ông Nguyễn Anh Tuấn - nghiên cứu sinh của Trung tâm báo chí, chính trị và chính sách công Shorenstein (Đại học Harvard) thành lập ra với mục tiêu nghiên cứu sâu sắc về vua Trần Nhân Tông, đồng thời quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của vị vua này ra thế giới. Bắt đầu với Hội nghị Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hoà giải và Yêu thương ngày 16-2-2012 diễn ra tại Hà Nội với sự ủng hộ, đồng hành của nhiều bè bạn quốc tế như cựu Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Michael Dukakis, Giáo sư Thomas Patterson, Trường Đại học Harvard... Sắp tới đây, ban đại diện Học viện Trần Nhân Tông cho biết sẽ tổ chức Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hoà giải và Yêu thương cùng với lễ trao giải là Hội nghị quốc tế Trần Nhân Tông tại Boston tiến đến phối hợp xây dựng Bảo tàng Trần Nhân Tông ở thủ đô Hà Nội.
Giáo sư Thomas E. Patterson, Chủ tịch Giải thưởng Trần Nhân Tông. Ảnh: Internet |
Ông Thomas E. Patterson, Giáo sư khoa Chính trị và Báo chí, Trường Chính trị John F.Kennedy, Đại học Harvard, chủ tịch giải thưởng Trần Nhân Tông cho biết thêm: "Trần Nhân Tông Academy sẽ cống hiến cho mục đích thúc đẩy tinh thần, triết lý và trí tuệ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Tâm hồn và tấm lòng nhân hậu chứ không phải những tài sản riêng tư hay quyền lực đã dẫn dắt cuộc đời ông và sẽ dẫn dắt cả những công trình nghiên cứu của Học viện chúng tôi. Hằng năm, Trần Nhân Tông Academy với một Hội đồng cố vấn giải thưởng bao gồm nhiều nhân vật uy tín như nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn An; bà Vaira Vike - Freiberga - cựu Tổng thống Latvia; Ông Michael Dukakis - cựu Thống đốc bang Massachusetts; bà Ann Mc Daniel - Phó Chủ tịch thường trực tạp chí Washington Post… tổ chức lựa chọn, trao giải thưởng Quốc tế Trần Nhân Tông vì Hòa giải và Yêu thương dành cho những người bằng hành động, tầm ảnh hưởng của bản thân mình có những đóng góp nổi bật cho sự nghiệp hòa giải và yêu thương nhân loại, xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo giải quyết các mối xung đột, chấm dứt chiến tranh, những người đóng góp to lớn trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái trên thế giới. Những cá nhân được trao giải sẽ được nhận huy chương và bằng chứng nhận.
Ngoài ra, Trần Nhân Tông Academy cũng sẽ tổ chức một Hội nghị Trần Nhân Tông hằng năm về hòa giải và yêu thương. Chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ đưa các học giả và các nhà lãnh đạo đến với nhau vì mục đích thảo luận và tìm cách làm thế nào để thúc đẩy di sản của Phật Hoàng Trần Nhân Tông về hòa giải và yêu thương một cách tốt nhất. Hội nghị đầu tiên của năm nay dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22-9-2012 tới tại trường quản lý nhà nước John F.Kennedy (Đại học Harvard, Hoa Kỳ). Riêng tại Hà Nội, Trần Nhân Tông Academy đã lên kế hoạch việc hỗ trợ xây dựng Bảo tàng và Trung tâm nghiên cứu Trần Nhân Tông, nơi sẽ được dành để giới thiệu về cuộc đời và di sản của Trần Nhân Tông và dành cho những hoạt động nhằm quảng bá tầm nhìn của ông về hòa giải và yêu thương, cũng như tinh thần và triết lý của Phật Hoàng. Bảo tàng và Trung tâm nghiên cứu sẽ đặc biệt nỗ lực nhằm tiếp cận cùng giới trẻ Việt Nam, để họ có những am hiểu sâu sắc hơn về vị vua thông thái, người đã từng dẫn dắt đất nước tới sự an toàn và ngày hôm nay chính con người ấy lại truyền cảm hứng cho họ về một cuộc sống cống hiến cho đất nước và cho hạnh phúc của những người khác” - Giáo sư Thomas E.Patterson cho biết thêm./.
Theo: daidoanket.vn