Họ gìn giữ tiếng Việt theo cách của riêng mình

08:07, 20/07/2012

Cuộc sống với những bộn bề lo toan đã khiến không ít các bậc phụ huynh định cư nơi đất khách trở nên sao nhãng với việc dạy cho con mình nói tiếng nói của cội nguồn. Thế mà, con cái của họ - những thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài dù không được sinh ra tại Việt Nam nhưng cũng đã tìm ra được cách học rất riêng mà hiệu quả.

Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp hè về đất Mẹ lại giang rộng vòng tay đón những cháu con xa quê trở về bằng những chương trình cụ thể, để những ai ít có dịp về quê sẽ được đắm mình trong tình yêu thương của quê nhà. Và lần nào cũng vậy, tháng 7, nắng cháy da. Vậy mà cái nắng cũng không ngăn nổi sự hăm hở khám phá những điều chưa biết về quê hương của các bạn trẻ kiều bào. Vã mồ hôi lóc cóc đi theo cuộc hành trình về nguồn của những trại sinh trở về Việt Nam tham dự trại hè trong dịp này, không ít phóng viên, thậm chí là đại diện ban tổ chức bị dớt lại phía sau vì... nắng. Thậm chí, ban tổ chức (BTC) trong các cuộc điện thoại bằng bộ đàm liên tục nhắc đội ngũ phục vụ, "nếu cháu nào không muốn xuống xe” đừng ép, nhưng lời nhắc đó là thừa, bởi không có một ai chịu ở lại trên xe. Với họ, thời tiết có khắc nghiệt đến mấy cũng không ngăn bước chân họ tìm hiểu, khám phá về đất Mẹ Việt Nam.

Bằng một giọng nói tiếng Việt còn chưa sõi, Hannah Mai Linh Nguyễn tâm sự với tôi, em là người gốc Hà Nội, vì ông bà nội em sinh ra ở Thủ đô Hà Nội. Mấy chục năm rồi ông bà di cư sang Anh và sinh ra bố của Mai Linh tại Thủ đô Luân Đôn, để rồi bố kết hôn với mẹ là người Anh gốc nhưng em đúng là người Việt Nam. Nửa dòng máu đang chảy trong huyết quản của em thuộc về Việt Nam. Ý thức về cội nguồn như vậy, cô gái mang trong mình 2 dòng máu Việt - Anh cho chúng tôi biết hành trình gian nan học tiếng Việt của mình. Bố em nói được tiếng Việt nhưng lại thường đi làm về muộn. Người duy nhất học được tiếng Việt từ bố là mẹ. Nhưng mẹ là người Anh cho nên học chỉ cho riêng mẹ thôi, không truyền đạt được cho người khác. Nhưng nếu không học tiếng Việt gấp thì mỗi lần về quê rất bất tiện. Mình không hiểu được mọi người và mọi người cũng không hiểu mình. Mai Linh đề nghị xin bố mẹ được ở với ông bà nội để học tiếng Việt. Nguyện vọng của Mai Linh ngay lập tức được đáp ứng. Hiện gia đình em đã có 3 thế hệ cùng sinh sống và Mai Linh đã có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Ngay sau khi có nguồn vốn tiếng Việt Nam em xin bố mẹ được tham dự trại hè ở Việt Nam năm nay để có cơ hội thực hành tiếng Việt. Trong cuộc trò chuyện với tôi, dù rất nhiều từ tôi hỏi em không trả lời được, nhưng em chủ động đề nghị nhà báo đừng hỏi em bằng tiếng Anh mà hãy sử dụng tiếng Việt, kể cả bằng ngôn ngữ hình thể để em được nói tiếng Việt nhiều hơn. Mai Linh đã tự hứa với mình trong gần một tháng tham gia trại hè Việt Nam, em chỉ dùng tiếng Việt. Theo Linh, trở về Việt Nam lần này em thấy quyết định học tiếng Việt là hoàn toàn đúng đắn. Bởi với vốn tiếng Việt ít ỏi của mình, em cũng đã hiểu được giá trị của hai chữ cội nguồn.

Những thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài tuy không được sinh ra tại Việt Nam nhưng họ đã gìn giữ tiếng Việt theo cách của riêng mình.  Ảnh: Hoàng Long
Những thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài tuy không được sinh ra tại Việt Nam nhưng họ đã gìn giữ tiếng Việt theo cách của riêng mình. Ảnh: Internet

Với Phạm Bảo Trung đến từ Đức thì dịp tham gia trại hè này có nhiều điều em phải hối tiếc. Hối tiếc nhất là vốn tiếng Việt của em quá ít ỏi. Trung cứ nghĩ rằng, mình chỉ cần học một chút tiếng Việt Nam để giao tiếp thôi. Nhưng như thế là chưa đủ. Em đã thực sự rơi vào những hoàn cảnh khó khăn khi không thể nói những cảm xúc của mình cho người khác hiểu bằng tiếng Việt. Ngay từ lúc lên xe Trung đã nhận ra, không biết tiếng Việt là điều quá thiệt thòi khi BTC tổ chức những trò chơi kiểm tra kiến thức tiếng Việt của các bạn trại sinh. Em đã bị phạt vì không trả lời được từ tiếng Việt rất đơn giản mà đồng đội gợi ý và đã bị phạt hát một bài hát bằng tiếng Việt. Hát một bài hát tiếng Việt ư? Ôi thật là quá khó đối với Trung bởi đây là nhiệm vụ bất khả thi với cậu. Giờ thì em chỉ biết trách mình sao không dành nhiều thời gian để học tiếng Việt cơ chứ.
 

Trái ngược với hoàn cảnh "bí bách” của Phạm Bảo Trung với Trần Vũ đến từ Cộng hòa Séc, chuyến tham dự trại hè tại Việt Nam trở nên suôn sẻ hơn vì vốn tiếng Việt của Vũ rất khá. Vũ chia sẻ, em được sinh ra tại Séc. Bố mẹ em đều được sinh ra tại Việt Nam nhưng họ đi làm suốt không có thời gian dạy em học tiếng Việt. Ngay cả bản thân Vũ, em thấy cũng có rất ít thời gian để thực hiện những việc khác, bởi em đang học năm thứ 3 Đại học Y khoa. Thế nhưng, Vũ đã tìm ra cách học rất riêng để học tiếng Việt. Nghe mọi người nói trên mình 2 khóa có chị Hằng, một du học sinh Việt Nam đang học y khoa tại đây. Thế là, em đã tìm cách liên hệ với người đồng hương này để xin được học tiếng Việt.

Làm thế nào để giữ được tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài. Ý thức được rằng "Tiếng Việt còn thì văn hóa còn” cho nên ở rất nhiều quốc gia trên thế giới những trường dạy tiếng Việt đã được hình thành. Thời gian tới, việc dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt sẽ được đẩy mạnh hơn để những thế hệ không được sinh ra tại Việt Nam hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam được gìn giữ và lưu truyền mãi mãi.

Thông qua những cuộc trò chuyện với chúng tôi, các thế hệ người Việt dù không được sinh ra tại Việt Nam nhưng khi hỏi ý nghĩa của hai từ nguồn cội họ đều khẳng định: Dòng máu đang chảy trong huyết quản của họ là máu Việt Nam và với họ, những kiều bào ta dù có bôn ba khắp bốn phương trời thì họ vẫn đau đáu một tấm lòng hướng về nguồn cội, hướng về Tổ quốc. Với họ "quê hương mỗi người chỉ một”, cách mà họ học tiếng Việt ở những hoàn cảnh chẳng dễ dàng đã thể hiện rõ điều đó./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com