Một ngư dân Ấn Độ đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương sau khi một tàu Hải quân Mỹ nã đạn vào chiếc tàu cá của họ ở vùng biển Đu-bai. Vụ việc có nguy cơ gây căng thẳng quan hệ Mỹ-Ấn trong bối cảnh Oa-sinh-tơn coi Niu Đê-li là một quốc gia chủ chốt trong chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu Á.
Vụ nổ súng xảy ra vào ngày 16-7 khi một chiếc tàu cá, trên đó có 4 người Ấn Độ và 2 công dân Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), đang chạy ngoài khơi gần cảng Giê-ben A-li, phía tây nam vùng biển Đu-bai, thì bị tàu tiếp nhiên liệu USNS Rappahannock của Hải quân Mỹ nã súng bắn vào, khiến một ngư dân Ấn Độ thiệt mạng.
Tàu USNS Rappahannock của Hải quân Mỹ ở vùng biển Đu-bai, nơi xảy ra vụ nổ súng ngày 16-7. Ảnh: AFP |
Ngay sau khi nhận được thông báo từ phía UAE, Ấn Độ đã đề nghị nước này mở một cuộc điều tra nguyên nhân vụ nổ súng trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Xa-ít Ác-ba-ru-din (Syed Akbaruddin) cho biết, Đại sứ Ấn Độ tại A-bu Đa-bi đã yêu cầu nhà chức trách UAE tiến hành điều tra tình huống dẫn đến vụ việc nêu trên. Theo ông Ác-ba-ru-din, Đại sứ quán Ấn Độ tại Oa-sinh-tơn cũng đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Mỹ và phía Mỹ đã cam kết tiến hành "một cuộc điều tra đầy đủ".
Theo giải thích từ phía các quan chức quốc phòng Mỹ, tàu cá trên đã phớt lờ cảnh báo và tiếp tục tiến nhanh về phía tàu USNS Rappahannock của Hải quân Mỹ. Vì vậy, các nhân viên an ninh trên tàu USNS Rappahannock buộc phải nổ súng để phòng vệ. Hạm đội 5 của Mỹ đóng tại Ba-ranh cũng khẳng định, việc tàu Mỹ bắn một chiếc thuyền ở vùng Vịnh là phương sách cuối cùng. Theo hãng tin Roi-tơ, Hải quân Mỹ luôn phải cảnh giác cao độ bởi một con thuyền dù rất nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm. “Năm 2000, hai kẻ đánh bom tự sát cùng một chiếc thuyền chất đầy chất nổ đã tiếp cận tàu USS Cole gây ra vụ nổ lớn khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Kể từ sau vụ việc trên, Hải quân Mỹ luôn cảnh giác cao với những chiếc tàu thuyền nhỏ tiếp cận lại gần các tàu của họ, nhất là những tàu thuyền của I-ran”, một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
Vụ việc này diễn ra tương tự với vụ hai ngư dân Ấn Độ thiệt mạng do Hải quân I-ta-li-a bắn nhầm ở ngoài khơi bờ biển bang Kê-ra-la, phía nam Ấn Độ hồi tháng 2-2012. Vụ bắn nhầm này đã gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, Oa-sinh-tơn sẽ cố gắng kiềm chế để tránh làm phương hại đến mối quan hệ ngoại giao với Ấn Độ, nước đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược quân sự mới của Mỹ ở châu Á. Ngày 17-7, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Nan-xi Pao-oen (Nancy Powell) đã điện đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ Ran-gian Ma-thai (Ranjan Mathai) bày tỏ lấy làm tiếc về cái chết của ngư dân Ấn Độ. Đại sứ quán Mỹ tại Niu Đê-li cũng gửi lời chia buồn tới gia đình các thủy thủ của tàu cá, mục tiêu của vụ nổ súng trên.
Vụ việc trên đang gây sự chú ý bởi nó xảy ra trong bối cảnh căng thẳng đang ngày một leo thang giữa Mỹ và I-ran liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran. Trong khi Oa-sinh-tơn siết chặt trừng phạt I-ran, tăng cường lực lượng hải quân tại Vùng Vịnh bằng việc cử thêm nhiều tàu sân bay, và Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu mỏ của I-ran, thì nước Cộng hòa Hồi giáo này liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận, đồng thời dọa sẽ đóng cửa Eo biển Hoóc-mút ở phía Nam Vùng Vịnh. Ngày 17-7, Tê-hê-ran đã lên tiếng chỉ trích hành động nổ súng của Hải quân Mỹ, đồng thời khẳng định các lực lượng nước ngoài đã đe dọa an ninh khu vực.
Theo qdnd.vn