Ngày 18-7, Cam-pu-chia và Thái Lan bắt đầu quá trình rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp rộng 4,6km2 nhằm tuân thủ lệnh của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra cách đây đúng một năm. Quá trình rút quân được tiến hành sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen (Hun Sen) và người đồng cấp Thái Lan Dinh-lắc Xin-vắt (Yingluck Shinawatra) tại Xiêm Riệp ngày 13-7, theo đó hai bên nhất trí bố trí lại các binh sĩ ở Khu phi quân sự tạm thời (PDZ) xung quanh ngôi đền cổ Prếch Vi-hia (Preah Vihear). Sáng 18-7, Cam-pu-chia đã rút 485 binh sĩ ra khỏi khu vực nói trên để thay thế bằng một lực lượng an ninh gồm 255 người, bao gồm cả cảnh sát biên giới, cảnh sát bảo vệ di sản và cảnh sát du lịch cùng 100 cảnh sát cơ động bảo vệ đền.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Cam-pu-chia Tia Banh (Tea Banh) đã chủ trì lễ rút quân với sự tham dự của các nhà ngoại giao, tùy viên quân sự nước ngoài và các quan chức chính phủ. Trong khi đó, bên phía biên giới Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Xu-cum-pôn Xu-va-na-tát (Sukumpol Suwanatat) và Tổng tham mưu trưởng quân đội Thái Lan Pray-út Chan Ô Cha (Prayut Chan-Ocha) tham dự một buổi lễ rút quân tương tự. Khoảng 480 sĩ quan cảnh sát tuần tra biên giới của Thái Lan đã được điều tới khu vực để thay thế lực lượng binh sĩ quân đội sắp được rút đi.
Binh lính Cam-pu-chia rút quân khỏi Khu phi quân sự quanh đền Prếch Vi-hia. |
Căng thẳng giữa Cam-pu-chia và Thái Lan đã bùng phát quanh ngôi đền cổ Prếch Vi-hia có từ thế kỷ thứ XI được LHQ công nhận là di sản thế giới vào ngày 7-7-2008, một hình mẫu của lối kiến trúc cổ Khmer. Tòa án Công lý Quốc tế đã phán quyết đền Prếch Vi-hia thuộc về Cam-pu-chia vào năm 1962, song chủ quyền lãnh thổ quanh khu vực này không được phân xử rõ ràng. Thái Lan cho rằng, khu vực rộng 4,6km2 gần đền Prếch Vi-hia thuộc chủ quyền của mình. Sau đó, những lời cáo buộc qua lại giữa Băng Cốc và Phnôm Pênh tăng lên và hai bên đều triển khai binh sĩ tới khu vực tranh chấp gần ngôi đền cổ ở vùng biên giới. Cả hai nước đều duy trì các đơn vị quân đội tại đây kể từ khi xảy ra đụng độ quân sự, diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4-2011, thời gian đảng Dân chủ cầm quyền ở Thái Lan.
Các cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hơn 80 người ở khu vực biên giới phải sơ tán do giao tranh. Khẩu chiến và đọ súng diễn ra thường xuyên khiến dư luận lo ngại về một cuộc chiến có thể nổ ra giữa Thái Lan và Cam-pu-chia. Sau đó, tháng 7-2011, ICJ ra phán quyết yêu cầu Cam-pu-chia và Thái Lan ngay lập tức rút quân khỏi khu vực PDZ (rộng 17,3km2), đồng thời không tiến hành bất cứ hoạt động vũ trang nào khác tại đây. ICJ cũng yêu cầu hai nước cho phép các quan sát viên ASEAN tiếp cận khu vực để giám sát ngừng bắn.
Trên thực tế, thời gian gần đây, Chính phủ Cam-pu-chia và Thái Lan đã cùng thể hiện thiện chí hướng tới hòa bình, chấm dứt những cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước vì tranh chấp chủ quyền tại khu vực đền Prếch Vi-hia. Ngày 27-6 vừa qua, Nhóm công tác hỗn hợp Cam-pu chia - Thái Lan (JWG) cũng đã nhóm họp tại thủ đô Phnôm Pênh của Cam-pu-chia, tiếp tục quá trình đàm phán về vấn đề rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước. Gần đây nhất, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen và người đồng cấp Thái Lan Dinh-lắc Xin-vắt tại Xiêm Riệp ngày 13-7, hai bên đã nhất trí bố trí lại các binh sĩ ở Khu phi quân sự tạm thời .“Biện pháp rút quân này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Đây là sự tự nguyện của cả Cam-pu-chia và Thái Lan”, AP dẫn lời Thủ tướng Hun Xen.
Theo qdnd.vn