Bầu cử QH Li-bi - một "Phép thử" khó khăn

07:07, 07/07/2012
Ngày 7-7, hơn 2,7 triệu cử tri Li-bi đi bỏ phiếu bầu QH 200 ghế. Ðây là cuộc bầu cử đầu tiên ở nước này sau 42 năm dưới chế độ của Tổng thống M.Ca-đa-phi, người đã bị lật đổ năm 2011. Cuộc bầu cử  được dư luận trong và ngoài Li-bi theo dõi với hy vọng nó sẽ mở đường cho một thời kỳ dân chủ mới ở đất nước Bắc Phi này.

Ðây là lần đầu cử tri Li-bi đi bỏ phiếu kể từ cuộc bầu cử năm 1964 dưới thời Vua I-đrít, người bị ông Ca-đa-phi lật đổ năm năm sau đó. Cuộc bầu cử này được đánh giá là cơ hội để người dân Li-bi chọn các đại biểu đại diện sau nhiều thập kỷ. Có 2.501 ứng cử viên độc lập chạy đua giành 120 ghế và 1.206 ứng cử viên từ các đảng phái cạnh tranh 80 ghế còn lại trong QH. Dự kiến, việc bầu QH mới sẽ được tiến hành trong hai tuần. Trong vòng 30 ngày sau khi  bầu, QH mới sẽ tiến hành phiên họp đầu tiên bổ nhiệm Thủ tướng để thành lập chính phủ lâm thời và chỉ định ban soạn thảo Hiến pháp mới. Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC), hiện điều hành Li-bi, sẽ từ chức sau đó.

Phụ nữ Li-bi diễn tập trước cuộc bầu cử quốc hội.   ( Ảnh:   Ảnh AFP )
Phụ nữ Li-bi diễn tập trước cuộc bầu cử quốc hội. ( Ảnh: Ảnh AFP )

Với tiềm năng dầu mỏ, người dân Li-bi hy vọng cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên sẽ mở đường đưa đất nước Bắc Phi này trở thành một "Ðu-bai mới". Họ hy vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại Li-bi và bắt đầu một thời kỳ mới phát triển kinh tế nước này. Tuy nhiên, diễn biến bất ổn  ở Li-bi hiện nay cho thấy sự kỳ vọng về một nhà nước dân chủ, trật tự ở nước này vẫn bị cản trở. Chín tháng sau khi kết thúc cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của Tổng thống Ca-đa-phi, tình hình Li-bi vẫn phức tạp. An ninh bất ổn, xung đột giữa các bộ lạc gây nhiều thương vong. Li-bi cũng chứng kiến hàng loạt cuộc tiến công nhằm vào các phái đoàn ngoại giao phương Tây, hầu hết ở thành phố miền đông Ben-ga-di, nơi bùng phát cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Ca-đa-phi. Ngay trước thềm diễn ra cuộc bầu cử, những người biểu tình vũ trang đòi quyền tự trị lớn hơn cho khu vực miền đông Li-bi đã tiến công Ủy ban bầu cử quốc gia. Họ đòi sự công bằng giữa khu vực miền đông và miền tây trong việc phân bổ số ghế QH khi Tơ-ri-pô-li được 102 ghế còn khu vực miền đông chỉ được 38 ghế. Trong khi đó, một hội đồng tự tuyên bố nền tự trị cho Chi-rê-nai-ca, tỉnh sản xuất dầu mỏ ở miền đông Li-bi, đã kêu gọi tẩy chay bầu cử. Các cuộc tiến công tuy nhỏ lẻ nhưng đe dọa bạo lực trong những ngày diễn ra bầu cử. Có những nơi, các dân quân Hồi giáo xuống đường, phá hủy băng-rôn tranh cử và phản đối hệ thống bầu cử dân chủ mới mà họ cho là xa lạ với Hồi giáo.

Là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba châu Phi, Li-bi từng một thời là "mảnh đất vàng" cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi nước này kể từ khi bùng nổ cuộc chiến được NATO hậu thuẫn lật đổ Tổng thống Ca-đa-phi. Mặc dù cuộc chiến đã kết thúc nhiều tháng qua, song Li-bi vẫn chìm trong xung đột, khủng bố. Bạo lực khiến các nhà đầu tư  chưa dám trở lại nước này. Các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tái thiết sau chiến tranh và các dự án dầu mỏ vẫn là những lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư đến Li-bi. Tuy nhiên, những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chưa được khởi động lại bởi các nhà đầu tư còn chờ chính phủ "bật đèn xanh". Nhiều đoàn đại biểu các nước đã tới Li-bi để chuẩn bị cho các hợp đồng trong tương lai, các chuyến bay thương mại được nối lại, song hầu hết các công ty mới chỉ đặt một chân vào Li-bi. Họ chờ đợi một tương lai chính trị rõ ràng và ổn định hơn. Bởi vậy, cuộc bầu cử QH Li-bi được coi là "phép thử" đối với nước này. Các nhà đầu tư hy vọng sau bầu cử, một chính quyền mới ổn định sẽ giúp họ yên tâm ký kết và xúc tiến các hợp đồng.

Liên hiệp châu Âu (EU), Liên đoàn A-rập (AL), Liên minh châu Phi (AU) đã đưa các quan sát viên tới giám sát cuộc bầu cử QH Li-bi. Chính phủ nước này triển khai hàng chục nghìn nhân viên bảo đảm an ninh trước những đe dọa bạo lực từ các nhóm chống đối. Tuy nhiên, cuộc bầu cử có mở ra một thời kỳ mới ở Li-bi như họ kỳ vọng hay không là bài toán vô cùng hóc búa đối với chính quyền  nước này. Chính phủ Li-bi đứng trước  nhiệm vụ nặng nề là phải giải giáp chính các tay súng  từng giúp họ lật đổ chế độ của ông Ca-đa-phi, chấm dứt mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm sắc tộc để tiến tới ổn định tình hình đất nước.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com