Vòng một bầu cử quốc hội Pháp: Cánh tả tiếp tục thách thức cánh hữu

08:06, 12/06/2012

Năm tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ngày 10-6, đảng Xã hội (PS) cánh tả cầm quyền của tân Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (F.Hollande) và các đồng minh lại giành lợi thế lớn trong vòng một cuộc bầu cử quốc hội (Hạ viện) Pháp.

Bầu cử quốc hội Pháp được tiến hành theo chế độ đa số quá bán ở từng khu vực bầu cử. Có hơn 6.500 ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử lần này. Ứng cử viên giành 50% số phiếu trở lên được bảo đảm một ghế trong quốc hội 577 thành viên. Các ứng cử viên giành hơn 12,5% phiếu bầu trong vòng một được quyền đi tiếp vào vòng hai, dự kiến diễn ra vào ngày 17-6 tới.

Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ chúc mừng chiến thắng của phe cánh tả trong vòng một bầu cử quốc hội. Ảnh: AFP
Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ chúc mừng chiến thắng của phe cánh tả trong vòng một bầu cử quốc hội. Ảnh: AFP

Theo kết quả do Bộ Nội vụ Pháp công bố, đảng PS giành được 29,35% số phiếu bầu trên tổng số 41 triệu cử tri đăng ký, trong khi đảng cánh hữu Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) của cựu Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) giành 27,2% số phiếu. Kết quả kiểm phiếu cũng cho thấy, Thủ tướng Giăng Mác Ai-rôn (Jean-Marc Ayrault) và 5 bộ trưởng trong chính phủ mới thuộc đảng PS đã giành chiến thắng ngay từ vòng một. Theo Bộ Nội vụ Pháp, tại vòng một cuộc bầu cử, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu cao kỷ lục, lên tới 42,61% so với các kỳ bầu cử quốc hội trong nền Cộng hòa thứ năm ở quốc gia hình lục lăng này.

Kết quả của vòng một cuộc bầu cử phần nào xoa dịu nỗi lo lắng về nguy cơ “chung sống tả-hữu” không hòa hợp trong chính phủ mới của Pháp. Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, PS sẽ vấp phải thách thức khá lớn từ đảng UMP. Sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5 vừa qua, UMP cố gắng giành lợi thế bằng cách chiếm đa số ghế tại quốc hội. Nếu UMP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cánh tả và cánh hữu sẽ phải chia sẻ quyền lực với nhau, do Tổng thống Pháp phải chỉ định thủ tướng mới từ một nhân vật thuộc phe đối lập và thành lập một chính phủ liên hiệp. Đây là điều mà các thành viên PS hoàn toàn không muốn xảy ra.

Vòng 2 bầu cử quốc hội Pháp sẽ diễn ra vào ngày 17-6 tới. Tuy nhiên, UMP sẽ rất khó lật ngược thế cờ để có thể buộc ông Ô-lăng-đơ phải “sống chung” hay thành lập một chính phủ liên hiệp. Các nhà phân tích dự đoán, tại vòng hai cuộc bầu cử quốc hội, nhiều khả năng PS sẽ giành được từ 275 đếm 305 ghế, trong khi UMP chỉ có thể chiếm được 205-275 ghế. Nếu PS tiếp tục chiến thắng ở vòng hai, điều đó sẽ đánh dấu một bước tiến nữa của cánh tả Pháp sau khi đã giành quyền kiểm soát Thượng viện năm 2011 và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sau 17 năm. Kết quả này sẽ cho phép Tổng thống Ô-lăng-đơ ban hành những biện pháp giảm bớt thất nghiệp, thúc đẩy chương trình cải cách về thuế, chi tiêu và khởi động nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com