Người biểu tình Tuy-ni-di phản đối tình trạng thất nghiệp gia tăng. |
Kể từ sau biến cố chính trị lật đổ Tổng thống B.A-li hồi đầu năm ngoái, đất nước Tuy-ni-di đã gặp nhiều khó khăn. "Cuộc cách mạng" gây thiệt hại kinh tế cho Tuy-ni-di khoảng hai tỷ USD, tương đương 5% thu nhập quốc gia. Mức nợ hiện nay của nước này tương đương 40% GDP. Các cuộc biểu tình và đình công đã làm tê liệt các nhà máy, khiến tăng trưởng kinh tế giảm 1,8%. Thành phố trung tâm Xi-đi Bu-dít, nơi người bán hàng rong trẻ tuổi Tuy-ni-di M.Bu-a-di-di đã tự thiêu hồi cuối năm 2010, để rồi thổi bùng làn sóng biểu tình lan rộng khắp khu vực, không có nhiều thay đổi và việc làm vẫn là mơ ước của nhiều thanh niên mới ra trường. Những tháng sau cuộc nổi dậy, chính phủ nước này đã đưa ra kế hoạch nhằm giúp những người mới tốt nghiệp đại học tìm việc làm với mức lương khoảng 125 USD/tháng. Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua, nhiều sinh viên sau khi ra trường vẫn "bơ vơ". Thất nghiệp là nguyên nhân chính dẫn tới bùng nổ cuộc nổi dậy ở Tuy-ni-di, song đã hơn một năm kể từ sau "cuộc cách mạng", tình trạng này không những không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn với tỷ lệ gia tăng. Ðây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng người dân nước này tiếp tục tổ chức nhiều cuộc bãi công.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Tuy-ni-di hiện lên tới 18%, trong khi trước lúc nổ ra cuộc nổi dậy, tỷ lệ này ở mức 13%. Tại những khu vực trung tâm tỉnh lị, nơi bùng phát các cuộc biểu tình, tỷ lệ thất nghiệp thậm chí còn tới 28%. Khoảng 800 nghìn người dân nước này hiện không có việc làm. Gần ba phần tư người thất nghiệp ở tuổi dưới 30 và tỷ lệ này tăng 0,6% từ quý II-2011. Tại miền trung Tuy-ni-di, đất nước đứng thứ hai thế giới về sản lượng phốt-phát, lượng phốt-phát tồn đọng chất thành đống mà chưa thể xuất khẩu do tàu vận tải bị tê liệt bởi người biểu tình đòi Công ty Phốt-phát Gafsa của nhà nước, nơi hút nhiều nhân lực nhất khu vực, phải tuyển họ vào làm việc. Việc đình trệ xuất khẩu phốt-phát khiến Tuy-ni-di mất nguồn thu quan trọng, nhất là vào thời điểm giá tài nguyên này trên thế giới cao mức kỷ lục. Kể từ sau "cuộc cách mạng" lật đổ chính quyền cũ, công ty này cam kết tuyển thêm hàng trăm công nhân địa phương, tuy nhiên mỗi đợt tuyển dụng lại làm bùng nổ cuộc xung đột mới, bởi hàng nghìn đơn xin việc nhưng số việc làm có hạn.
Tình cảnh diễn biến tương tự trong lĩnh vực giáo dục, với hàng nghìn người tốt nghiệp ra trường phải cạnh tranh để giành một vị trí trong cơ quan nhà nước. Năm 2010-2011, nước này có khoảng 85 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học. Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tuy-ni-di là quốc gia có tỷ lệ người được giáo dục nhiều nhất khu vực Bắc Phi. Khoảng 80% người lớn ở nước này biết đọc, trong khi tỷ lệ này ở Ai Cập là 66% và Ma-rốc là 56%. Tuy nhiên, nền kinh tế Tuy-ni-di có xu hướng tạo những việc làm ít đòi hỏi kỹ năng với mức lương thấp. Chính phủ mới ở nước này hứa năm nay sẽ tạo khoảng 25 nghìn việc làm trong khu vực công, tuyển hàng trăm người thương tật và ưu tiên người thân những gia đình của hơn 300 người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy mùa xuân năm ngoái.
Trước những khó khăn kinh tế, Tuy-ni-di cần nỗ lực để không đẩy mức thâm hụt ngân sách vượt quá mục tiêu năm 2012 là 6,6% GDP. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế ở khu vực châu Âu, đối tác thương mại chính của Tuy-ni-di, đã gây ảnh hưởng nỗ lực phục hồi kinh tế của đất nước Bắc Phi này. Châu Âu là điểm đến của hàng hóa xuất khẩu Tuy-ni-di, trị giá khoảng 11,2 tỷ USD (năm 2010). Theo G.Ri-a-ni, người đứng đầu về Trung Ðông và Bắc Phi tại trung tâm kiểm soát rủi ro ở Luân Ðôn, sự bất ổn kinh tế, xã hội là một trong những thách thức lớn nhất ở Tuy-ni-di cũng như các nước trong khu vực sau "Mùa xuân A-rập".
Theo: nhandan.com.vn