Hiến pháp mới của CHDCND Triều Tiên đã tuyên bố nước này là một quốc gia có quyền trang bị vũ khí hạt nhân. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, hãng tin ITAR-TASS và nhiều hãng thông tấn quốc tế ngày 31-5, cổng thông tin điện tử Naenara do chính phủ Triều Tiên điều hành hôm 30-5 đã đăng toàn văn hiến pháp mới sau khi được sửa đổi trong phiên họp quốc hội ngày 13-4 vừa rồi. “Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Kim Châng In (Kim Jong-il) đã biến Tổ quốc của chúng ta thành một đất nước vô địch về ý thức hệ chính trị, một quốc gia vũ trang hạt nhân và một cường quốc quân sự, tạo nền móng cho việc xây dựng một quốc gia thịnh vượng và mạnh mẽ”, một đoạn trong hiến pháp mới sửa đổi viết. Hiến pháp trước đó của Triều Tiên, được sửa đổi lần gần nhất vào ngày 9-4-2010, không có cụm từ “quốc gia vũ trang hạt nhân”. Sau khi nhà lãnh đạo Kim Châng In qua đời tháng 12-2011, Bình Nhưỡng đã sửa đổi hiến pháp nhằm khẳng định những thành tựu dưới thời ông Kim Châng In.
Một xe chở tên lửa tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Ảnh: AFP |
Phản ứng trước động thái mới của Bình Nhưỡng, Mỹ tuyên bố nước này sẽ không bao giờ công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân. Trả lời phóng viên Yonhap tại Oa-sinh-tơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Mỹ từ lâu vẫn kiên định quan điểm không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân”. Một quan chức giấu tên Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm rằng, Triều Tiên cần tuân thủ thỏa thuận đã đạt được năm 2005 và các nghị quyết của HĐBA LHQ kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. “Ban lãnh đạo mới Triều Tiên cần có sự lựa chọn sáng suốt trong chính sách của mình, chấm dứt các hành động khiêu khích, đặt người dân lên trên tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân và cuối cùng là quay trở lại hội nhập với cộng đồng quốc tế”.
Triều Tiên đã phát triển vũ khí hạt nhân trong nhiều thập kỷ. Quan điểm của Bình Nhưỡng về việc này là "cần có loại vũ khí này để tự vệ trước các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ" nhưng về mặt nguyên tắc cũng sẵn sàng từ bỏ vũ khí nguyên tử. Theo một thỏa thuận đạt được vào tháng 9-2005 trong cuộc đàm phán 6 bên, Bình Nhưỡng đã đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại các lợi ích về mặt kinh tế và ngoại giao, bảo đảm về an ninh. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán 6 bên để thực thi thỏa thuận này đã bị trì hoãn.
Triều Tiên từng hai lần tiến hành thử hạt nhân dưới lòng đất vào các năm 2006 và 2009. Hiện tại, cũng xuất hiện thông tin nói rằng, Bình Nhưỡng đang có ý định tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba nhưng chưa rõ thời điểm cụ thể. Giới phân tích nhận định việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa Unha-3 mang theo vệ tinh quan trắc (nhưng thất bại) và nay lại có ý định thử hạt nhân cho thấy ban lãnh đạo mới của Triều Tiên đang muốn tạo ra bước ngoặt mới trong chính sách hạt nhân của mình bằng việc được cộng đồng quốc tế công nhận là cường quốc hạt nhân và có thể làm chủ công nghệ hạt nhân.
Giáo sư Kim Keun-Sik thuộc Đại học Kyungnam của Hàn Quốc phát biểu: “Việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của họ sẽ khó khăn hơn nếu thông qua con đường ngoại giao”. Tuy nhiên, Giáo sư Kim Keun-Sik cũng lưu ý rằng không nên quá chú trọng vào việc này, vì đây có thể là một cách Triều Tiên ngợi ca công lao của lãnh đạo quá cố Kim Châng In.
Theo: qdnd.vn