Người biểu tình Ai Cập phản đối phán xét của tòa án đối với cựu Tổng thống H.Mu-ba-rắc. Ảnh ROI-TƠ |
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa xét xử với bản án chung thân "dành cho" cựu Tổng thống Ai Cập H.Mu-ba-rắc và cựu Bộ trưởng Nội vụ H.Át-li, người biểu tình Ai Cập đã tuần hành ở Thủ đô Cai-rô và các thành phố khác để phản đối phán quyết này. Họ cho rằng các bị cáo đáng lẽ phải chịu mức án phạt cao hơn. Nhiều nhóm chính trị ở nước này tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình. Trong khi đó, nhiều thanh niên Ai Cập xông vào đập phá trụ sở của ứng cử viên tổng thống A.Sa-phích để bày tỏ sự phẫn nộ đối với người từng là thành viên trong chính quyền của Tổng thống H.Mu-ba-rắc trước đây. Nhiều đảng phái coi thời điểm này là "cơ hội" để kêu gọi phát động một "cuộc nổi dậy mới" nhằm chống chính quyền của Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) và loại bỏ "tàn dư" của chính quyền cũ.
Diễn biến mới căng thẳng tại Ai Cập như "thêm dầu vào lửa" vào tình hình chính trường vốn hết sức nóng bỏng ở nước này. Sau vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập, một sự kiện được quốc tế đánh giá là "đáng khích lệ", hai ứng cử viên giành số phiếu ủng hộ cao nhất bước vào cuộc đua "nước rút" tại vòng hai dự kiến diễn ra vào ngày 16 và 17-6 tới. Việc ứng cử viên M.Mơ-xi của tổ chức Anh em Hồi giáo và ứng cử viên A.Sa-phích, một tướng quân đội, người từng giữ chức Thủ tướng dưới thời Tổng thống Mu-ba-rắc, lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống được nhiều nhà phân tích ở Ai Cập đánh giá là "kịch bản tồi tệ nhất". Họ cho rằng cả hai nhân vật này đều chống lại những nguyên tắc của "cuộc cách mạng" lật đổ Tổng thống Mu-ba-rắc mùa xuân năm ngoái. "Cuộc cách mạng" nhằm thiết lập một nhà nước dân sự, trong khi cả hai ứng cử viên này là những người "xa rời nhất" với nhà nước đó. Nhiều nhà hoạt động xã hội ở Ai Cập, lực lượng lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Mu-ba-rắc cho biết, họ "đau đầu" giữa hai lựa chọn: chọn ông Sa-phích đồng nghĩa với thừa nhận "cuộc cách mạng" thất bại, còn bầu ông Mơ-xi có thể đe dọa nền tự do mà họ đã nỗ lực giành lấy. Nhiều người lo ngại nếu ông Mơ-xi lên làm Tổng thống, tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ có quá nhiều quyền lực. Còn ông Sa-phích, nếu đắc cử, có thể sẽ đưa Ai Cập trở về thời kỳ của chính quyền cũ.
Theo các nhà phân tích, vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập sẽ chứng kiến sự phân cực giữa những người ủng hộ Anh em Hồi giáo và những người ủng hộ quân đội. Sự có mặt của ứng cử viên Mơ-xi trong cuộc bầu cử vòng hai được cho là kết cục tất yếu, bởi sau khi phe Hồi giáo giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử QH, tổ chức này muốn chi phối Hội đồng lập pháp và kiểm soát các tổ chức khác trong chính phủ. Tổ chức Anh em Hồi giáo đang kêu gọi các nhóm chính trị khác và những ứng cử viên thất cử tại vòng một ủng hộ ông Mơ-xi, với hy vọng giành gần 40% số phiếu bầu của những người ủng hộ các ứng cử viên vòng một H.Xa-ba-hi và A.Phô-tu. Hiện tổ chức Anh em Hồi giáo và những người ủng hộ đang nỗ lực nhằm "phơi bày" mối quan hệ giữa ứng cử viên Sa-phích với chính quyền cũ và cảnh báo về "sự trở lại" của đảng Dân tộc Dân chủ (NDP) cầm quyền dưới thời Tổng thống Mu-ba-rắc. Sau khi thông báo quyết tâm hạn chế vai trò của quân đội thông qua hiến pháp, lực lượng Anh em Hồi giáo kêu gọi cử tri Ai Cập "bảo vệ thành quả cách mạng" bằng cách chống lại ông Sa-phích. Trong khi đó, ứng cử viên Sa-phích cam kết sẽ giành lại "cuộc cách mạng bị đánh cắp" của người dân Ai Cập.
Ðất nước Ai Cập hiện đang rối bời trong chia rẽ. Người dân Ai Cập sẽ phải đứng trước sự chọn lựa khắc nghiệt. Cho dù ai sẽ thắng cử thì vị tổng thống mới của Ai Cập cũng phải đối mặt hàng loạt khó khăn trong việc đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, ổn định chính trị và khôi phục nền kinh tế bên bờ vực suy thoái.
Theo: nhandan.com.vn