Theo thống kê của nhà chức trách - cộng đồng người Việt đang định cư, sinh sống tại Hà Lan có trên 20 nghìn người, tập trung tại các thành phố lớn như Zoetermee, Groningen, Delft, The Hague, Alkmaar, Leichendam… Tuy sống xa quê hương, song cộng đồng người Việt ở Hà Lan luôn đoàn kết, yêu thương nhau và tình cảm lúc nào cũng hướng về Tổ quốc.
Việt Nam và Hà Lan đã từng có quan hệ kinh tế từ những năm đầu thế kỷ XVI. Ngày ấy, các thương gia Hà Lan theo "con đường tơ lụa” đã sớm có mặt tại thương cảng Hội An của nước ta để đặt mối quan hệ buôn bán các mặt hàng tơ, lụa, đồ gốm sứ. Cũng từ thời điểm này, theo những chuyến thuyền buôn, một số thương gia người Việt cũng bắt đầu đặt chân đến Hà Lan. Dần dần nhiều người Việt đã xem Hà Lan là quê hương thứ 2 của mình. Song làn sóng người Việt sang định cư tại Hà Lan nhiều nhất và đông nhất phải kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Các bạn trẻ sinh viên gốc Việt ở Hà Lan. |
Thời điểm đó, đa số người Việt sống bằng tiền trợ cấp xã hội của Chính phủ Hà Lan và không bị bắt buộc phải có việc làm. Song, với bản chất là những người lao động cần cù và sáng tạo, nhiều người Việt đã tự tìm kiếm công việc làm để tự lo toan cho cuộc sống gia đình mình. Ban đầu, một bộ phận trong cộng đồng người Việt ở Hà Lan tìm đến các công việc ở các nhà máy, xí nghiệp, các trang trại theo hướng làm công ăn lương. Một số khác mở tiệm may tại nhà, mở shop kinh doanh quần áo hoặc hàng thời trang. Một bộ phận khác đầu tư vào bất động sản và mở rộng sang các dịch vụ kinh doanh khác như các nhà hàng, khách sạn, quán bar… Một số người nhạy bén với thương trường đã sớm giàu có, trở thành những doanh nhân thành đạt nơi xứ người và đầu tư trở lại ở quê hương, đất nước. Việt kiều ở Hà Lan tính đến nay đã là thế hệ thứ ba, rất nhiều người đã mang quốc tịch Hà Lan. Phần lớn thế hệ thứ hai và thứ ba đều không còn nói được rành rẽ tiếng Việt.
Nhìn chung công việc làm ăn, sinh sống của cộng đồng người Việt ở Hà Lan khá ổn định. Tại khu trung tâm của Groningen có một nhà hàng nổi tiếng của người Việt do một phụ nữ tên Bích Nhung là sở hữu. Sau khi đến Hà Lan, chị phát hiện ở xứ này chưa có ai mở quán bán phở. Vốn là một phụ nữ đam mê nghề nấu ăn từ nhỏ, chị quyết định đầu tư mở quán bán phở. Quán của chị ngày một đông khách. Cũng từ tô phở mà nhiều người Hà Lan và nước ngoài đã biết đến Việt Nam. Sau vài năm làm ăn, chị tích lũy được số vốn lớn và quyết định mở một nhà hàng chuyên bán các món ăn Việt. Chị Bích Nhung bảo: "Công việc vất vả, thức khuya dậy sớm, song bù lại, những nghề này lại rất phù hợp với người Việt. Trước đây, việc đi lại khó khăn, người Việt ở Hà Lan ít có điều kiện về thăm quê hương, nay đường bay rộng mở thì dường như năm nào chúng tôi cũng thu xếp về thăm quê một lần, thường là vào dịp Tết”.
Đa số người Việt ở Hà Lan luôn xem trụ sở Sứ quán Việt Nam tại Hà Lan là ngôi nhà chung của mình. Theo đó, vào ngày lễ, ngày Tết, những ai không có điều kiện về thăm quê hương lại thường tập trung tại đây để nghe ngóng tin tức thông báo về tình hình đất nước; cùng thưởng thức các tiết mục văn nghệ với các bài hát Việt và dự tiệc liên hoan với các món ăn Việt. Ngoài việc tổ chức đón lễ, Tết như vậy, các bạn trẻ sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hà Lan còn rất hăng hái tham gia các hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Bởi theo họ đây cũng là dịp để các sinh viên Việt Nam được sống trong một cộng đồng rộng lớn người Việt ở nước ngoài, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà./.
Theo: daidoanket.vn