Khu vực EU: Có giải pháp nhưng chưa đủ mạnh

08:06, 30/06/2012

Sau hai ngày làm việc căng thẳng, Hội nghị thượng đỉnh EU với sự tham gia của 27 nước thành viên đã thông qua các biện pháp ngắn hạn và xem xét các kế hoạch dài nhằm cứu khu vực khỏi bờ vực sụp đổ do tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ''liều thuốc″ này chưa đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế các nước trong khu vục đồng euro đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.

Lãnh đạo EU kết thúc ngày làm việc đầu tiên khi trời đã gần sáng.
Lãnh đạo EU kết thúc ngày làm việc đầu tiên khi trời đã gần sáng.

Từ lúc xảy ra cuộc khủng hoảng vào năm 2008 đến nay, khu vực EU phải đối mặt với những khó khăn liên tiếp về nợ công, nên chưa tạo được một bước nhảy vọt nào về tăng trưởng. Khu vực sử dụng đồng euro thậm chí còn bị suy thoái và tình trạng tiêu cực này có nguy cơ gia tăng nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Nhiều người còn tính tới khả năng sụp đổ của liên minh này vì các nước không thể tìm được tiếng nói chung về phương hướng khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng.

Có thể nói chưa bao giờ lãnh đạo các nước EU phải họp nhiều và căng thẳng đến như vậy. Trước đó, 18 hội nghị thượng đỉnh đã được tổ chức nhưng kết quả thu được chỉ là những giải pháp tình thế như chính sách thắt lưng buộc bụng.

Suốt từ đầu giờ chiều ngày 28 cho tới gần sáng ngày 29-6, lãnh đạo EU phải tham gia một ‘‘trận đấu″ không kém phần kịch tính như trận bán kết giữa Đức và Ý của vòng chung kết bóng đá Euro 2012. Trong phòng họp kín, các nguyên thủ quốc gia EU làm việc liên tục trong nhiều giờ để tìm ra lối thoát cho khu vực. Ở bên ngoài, các phóng viên thuộc nhiều hãng thông tấn, báo và truyền hình quốc tế tranh thủ thời gian chờ đợi kết quả để xem trận đấu giữa Đức và Y ngay tại trụ sở của EU còn nói rằng mọi người đang hồi hộp chờ đợi kết quả của hai ‘‘trận đấu’’ diễn ra cùng lúc. Nói như vậy cũng có lý bởi lãnh đạo hai nước Đức và Ý không thể tìm được tiếng nói chung, chỉ muốn giành thế thắng cho quan điểm riêng về việc sử dụng quỹ hỗ trợ các nước bị thâm hụt ngân sách trầm trọng.

Rồi mãi tới đêm khuya ngày 28-6, cuộc họp báo về kết quả ban đầu của ngày làm việc thứ nhất mới diễn ra. Chủ tịch EU Herman Van Rompuy thông báo rằng lãnh đạo các nước thuộc khu vực eurozone đã đạt được đồng thuận về 'Thỏa thuận về tăng trưởng và việc làm,' bao gồm các đề xuất của Ủy ban châu Âu, chủ yếu tập trung vào việc sử dụng các quỹ hiện có để tài trợ cho các dự án đầu tư mới.

Một khoản tiền 120 tỉ euro, tương đương 1% tổng sản phẩm nội địa của EU, sẽ được chi cho các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng ngay lập tức. Theo đó, vốn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) sẽ được bổ sung 10 tỉ euro giúp huy động khoảng 60 tỉ euro để tài trợ cho các dự án liên quan đến phát minh sáng chế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng năng lượng có hiệu quả và các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược. Đồng thời, BCE sẽ phát hành một loại công trái chung (Project bonds) nhằm huy động khoảng 5 tỉ euro cho các dự án hạ tầng cơ sở trong lĩnh vực giao thông, năng lượng. Cuối cùng, các nước châu Âu muốn phân bổ lại khoản tiền 55 tỉ euro trong quỹ hỗ trợ cơ cấu chưa được sử dụng đến.

Từ nay đến cuối năm, các nước châu Âu sẽ thiết lập một cơ chế cho phép trực tiếp nâng vốn của các ngân hàng thông qua Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (FESF) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (MES). Tây Ban Nha là nước kiên quyết đòi EU phải chấp nhận cơ chế này do lo ngại rằng kế hoạch hỗ trợ, cứu giúp các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ làm tăng khoản nợ công của nước này, hiện đang ở mức rất cao.

Để giải quyết bài toán này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barosso cho biết, khi chấp nhận cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng, EU cũng sẽ thành lập một cơ chế giám sát tài chính và BCE sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động này. Thêm vào đó, khu vực đồng euro cũng sẽ tìm cách hỗ trợ Ý qua việc sẵn sàng sử dụng một cách linh hoạt hơn quỹ hỗ trợ châu Âu để trấn an thị trường tài chính quốc tế và có được một sự ổn định về lãi suất đối với các công trái do các nước thành viên khu vực đồng euro phát hành.

Trước đề nghị của Ý, các nước khu vực đồng euro trải qua cuộc thương lượng đầy khó khăn và cuối cùng đã đồng ý đưa vào bản thỏa thuận một đoạn liên quan đến việc sử dụng quỹ hỗ trợ để giúp các nước đang thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu thắt lưng buộc bụng của châu Âu.

Đây có thể được coi là chiến thắng kép của nước Ý khi có được kết quả như mong đợi ở trên cả sân cỏ và bàn nghị sự. Đến tối ngày 28-6, Thủ tướng Đức vẫn kiên quyết phản đổi thực hiện các biện pháp chống khủng hoảng theo hướng này, khiến cho lãnh đạo hai nước Tây Ban Nha và Ý nhắc tới khả năng không bỏ phiếu thuận cho kế hoạch hỗ trợ tăng trưởng 120 tỉ euro, vốn đã được cả 27 thành viên EU chấp thuận mấy giờ trước đó.

Một trong những lý do mà Thủ tướng Đức Angela Merkel phải thay đổi thái độ là chiều ngày 29-6, Nghị viện Đức thảo luận và bỏ phiếu phê chuẩn ‘‘Hiệp ước về ngân sách″ của châu Âu. Để có được sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu này từ đảng Xã hội Dân chủ (SPD), với lập trường gần giống Pháp, bà Merkel cần phải đạt được một thỏa thuận với châu Âu. Thủ tướng Đức có thể nhận thấy rõ rằng tình hình của Tây Ban Nha và Ý đang rất nguy cấp và nếu không có cách giải quyết tức thì, có thể dẫn tới sự tan rã của khối đồng euro. Còn có một khả năng nữa là bà Merkel muốn nhanh chóng cải thiện tình hình châu Âu để có thể tập trung vào cuộc vận động tranh cử lập pháp vào năm tới ở Đức.

Cũng tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo EU đạt được thỏa thuận về cấp một loại bằng sáng chế duy nhất trong toàn khu vực, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu bảo vệ phát minh của mình một cách dễ dàng và đỡ tốn kém hơn. Sự thỏa hiệp về địa điểm đóng trụ sở tòa án xét xử các vụ tranh chấp liên quan bằng sáng chế chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài suốt 40 năm qua.

Theo đó, Pháp là nơi đặt trụ sở tòa án và văn phòng chủ tịch tòa án. Anh là nơi xử lý các tranh chấp liên quan lĩnh vực khoa học đời sống, hóa học và nhu cầu thiết yếu của con người. Còn Đức tiếp nhận các văn phòng quản lý, chịu trách nhiệm giải quyết những tranh cãi liên quan kỹ thuật tiên tiến và hiệu quả sử dụng các nguồn. Trong khi đó, Tây Ban Nha và Ý phải đứng ngoài do tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức được chọn làm các ngôn ngữ chính thức cho loại văn bằng này. Hiện nay, các công ty và các nhà đầu tư phải xin cấp bằng sáng chế ở từng nước thành viên EU với chi phí lên tới 20.000 euro mỗi lần trong đó có 14.000 euro phí dịch thuật, cao hơn nhiều so với mức 1.850 USD tại Mỹ.

Cả Chủ tịch EU Herman Van Rompuy và Chủ tịch EC đều khẳng định rằng hội nghị lần này dù căng thẳng nhưng có sự ‟đột phá″, phản ánh tinh thần trách nhiệm, đoàn kết của lãnh đạo các nước EU vì mục tiêu chung là giảm sức nóng của thị trường tài chính, lấy lại niềm tin và phục hồi tăng trưởng cho khu vực. EU sẽ tiếp tục triển khai tất cả mọi biện pháp có thể để đưa khu vực trở lại lộ trình phát triển mạnh, bền vững và có khả năng cạnh tranh cao.

Từ nay cho tới cuối năm, lãnh đạo EU còn nhiều việc phải làm xong như hoàn thiện những dự án dài hạn đưa ra tại hội nghị lần này trong đó có ‘‘Khuôn khổ tài chính 2014-2020″ và một “liên minh tiền tệ và kinh tế đầy đủ, bao gồm cả một liên minh ngân hàng, một hệ thống giám sát tài chính và một chương trình bảo hiểm tiền gửi”.

Các nước EU đã có được sự đồng thuận nhất định để đưa khu vực ra khỏi tình thế nguy hiểm hiện nay. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kế hoạch vực dậy khu vực EU với khoản đầu tư 120 tỉ euro chưa đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế các nước trong khu vục đồng euro đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng do tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công và chính sách thắt lưng buộc bụng.

So với nhu cầu hiện nay, kế hoạch này còn khiếm tốn, đồng thời thỏa thuận vừa đạt được lại không bao gồm các khoản chi mới của nhà nước. Hơn nữa, cần phải có thời gian để triển khai các dự án sẽ được tài trợ trong khuôn khổ 'Thỏa thuận về tăng trưởng và việc làm'. Điều này sẽ làm giảm tác động tức thì của các biện pháp này đối với sự tăng trưởng của khu vực.

Lo ngại cũng hướng về sự kiện sắp tới khi Cộng hòa Síp đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU trong vòng 6 tháng kể từ 1-7. Nợ công lên tới 14 tỉ euro khiến cho CH Síp trở thành nước thứ 5 của khu vực yêu cầu cứu trợ. Giữa lúc khó khăn, nước thành viên này lại phải gánh vác thêm một trách nhiệm lớn khác. Chính vì vậy, hành động cụ thể của các nước thành viên ngay sau hội nghị này mới là yếu tố quan trọng giúp khu vực EU hồi phục và phát triển.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com