Giảm nhiệt nơi “chảo lửa”

08:06, 29/06/2012

Người đứng đầu Điện Kremlin vừa kết thúc chuyến thăm hai ngày (25, 26-6) tới khu vực Trung Đông với Israel, Palestine và Jordan là những điểm dừng chân. Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 2005, một nhà lãnh đạo cao nhất của Nga tới khu vực đang được xem là nóng bỏng nhất của thế giới. 

Chuyến thăm 48 giờ của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra tín hiệu về sự chuyển dịch mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Nga, nhằm củng cố vị thế tại Trung Đông - Bắc Phi. Trong bối cảnh nóng bỏng hiện nay, các cuộc tiếp xúc với cả Thủ tướng Israel lẫn Tổng thống Palestine của Tổng thống V. Putin đã mang lại hy vọng mới cho lộ trình hòa bình Trung Đông vốn gặp không ít trắc trở. 

Trong tiến trình hòa bình Trung Đông, Nga luôn có vai trò quan trọng, là thành viên chủ chốt của nhóm Bộ Tứ (gồm: Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh Châu Âu (EU), Nga và Mỹ). Tiếng nói của Mátxcơva luôn là một nhân tố quan trọng giúp tháo gỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán bị đình trệ lâu nay giữa Israel và Palestine. Bởi vậy, không có gì lạ khi chuyến thăm của Tổng thống Nga V. Putin đã thu hút sự dõi theo của giới truyền thông khu vực và quốc tế. 

Cái bắt tay giữa Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Palestine M. Abbas đang mở ra hy vọng mới cho hòa bình Trung Đông.
Cái bắt tay giữa Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Palestine M. Abbas đang mở ra hy vọng mới cho hòa bình Trung Đông.

Mặc dù, luôn ủng hộ nền độc lập của người Palestine nhưng Israel lại là điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống V. Putin. Đây là một lựa chọn ngoại giao thú vị khi tại Trung Đông, cả Syria, Iran - hai đồng minh gần gũi của Mátxcơva - đều đang lâm vào khủng hoảng và luôn ở thế đối đầu với chính quyền Tel Aviv. Do đó, cùng với mục đích kinh tế thì, tìm hiểu và xoa dịu sự phản ứng gay gắt với các nước đồng minh; đồng thời làm rõ lập trường của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với tiến trình hòa bình Trung Đông là ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm của Tổng thống Nga. Và, kết quả thu được trong chuyến thăm đã không thể ngoạn mục hơn. Kết thúc chặng dừng chân đầu tiên, Tổng thống V. Putin và đoàn tùy tùng với hơn 300 doanh nhân, nhà hoạch định chính sách, đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Isarel trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng, nông nghiệp, dược phẩm đến công nghiệp vũ trụ. Trong thời gian tới, Nga sẽ mở một trạm cho hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga tại Israel và mua một lượng máy bay không người lái của Isarel trị giá tới 50 triệu USD...

Còn tại thành phố Bethlehem ở Bờ Tây, trong cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (ngày 26-6), Tổng thống Nga V. Putin một lần nữa khẳng định sẵn sàng công nhận một Nhà nước Palestine độc lập, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine nối lại các cuộc thương thuyết và xem đó là một lựa chọn tối ưu để giải quyết xung đột khu vực. Người đứng đầu Điện Kremlin ủng hộ "quan điểm có trách nhiệm" của Tổng thống Palestine M. Abbas và lưu ý rằng, "các hành động đơn phương trước khi đạt được giải pháp hòa bình cuối cùng đều là phản tác dụng". Rõ ràng, tuy không trực tiếp, nhưng nhà lãnh đạo Nga đã ám chỉ việc Israel tiếp tục xây dựng khu định cư Do Thái trên đất của người Palestine bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế sẽ chỉ khiến tình hình thêm rối ren... 

Thực tế, để có bước đi tích cực cho nền hòa bình Trung Đông là không dễ dàng. Các cuộc đàm phán Israel - Palestine về công nhận Nhà nước Palestine đã bị đình trệ từ năm 2008. Nỗ lực khôi phục tiến trình này luôn thất bại do bất đồng lớn giữa Thủ tướng B. Netanyahu và Tổng thống M. Abbas. Thủ tướng B. Netanyahu cho biết sẵn sàng nối lại đàm phán, nhưng bác bỏ các điều kiện tiên quyết. Trong khi đó, Tổng thống M. Abbas tuyên bố sẽ không có đàm phán nếu Israel tiếp tục xây dựng khu định cư của người Do Thái ở Bờ Đông và Tây Jerusalem, vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng... Trước chuyến thăm của Tổng thống V. Putin, nỗ lực hàn gắn hòa bình Trung Đông đã bị phủ mờ do kế hoạch xây mới các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. 

Chuyến thăm "chảo lửa" Trung Đông của Tổng thống V. Putin dù ngắn ngủi nhưng vừa đủ để mang lại thành công và giảm nhiệt trong khu vực. Trên phương diện đa phương, thành viên quan trọng của nhóm Bộ Tứ đã tìm được "nút thắt" để giải quyết bế tắc cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Còn trên phương diện song phương, ông chủ Điện Kremlin đã không chỉ thêm một lần khẳng định quan điểm ủng hộ nền độc lập của người Palestine mà còn thúc đẩy khá toàn diện quan hệ cả về kinh tế lẫn quốc phòng với Nhà nước Do Thái. Thêm vào đó, sự hiện diện ở khu vực trong lúc Syria đang rơi vào cảnh "nước sôi lửa bỏng", Mátxcơva đã phát đi thông điệp thể hiện sự can dự mạnh mẽ tại Trung Đông cũng như nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria. 48 giờ tại Trung Đông của Tổng thống Nga V. Putin cho thấy một nước Nga không dễ dàng từ bỏ Trung Đông - một khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ và EU - như một địa bàn chiến lược của Mátxcơva.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com