Người dân Ai Cập phản đối SCAF mưu toan duy trì quyền lực. Ảnh GOOGLE |
Theo kế hoạch, ngày 21-6, Ủy ban bầu cử Ai Cập mới công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống mới của nước này. Nhưng, ngày 18-6, ông A.Áp-đun A-ti, người phụ trách chiến dịch tranh cử của Tổ chức "Anh em Hồi giáo" đã tự công bố ứng cử viên tổng thống của tổ chức này là ông M.Mo-xi đã thắng cử, được 52% số phiếu bầu. Ngay lập tức, Chủ tịch Ủy ban bầu cử của ứng cử viên A.Sa-phích, ông A-bun Ma-ca-rem bác bỏ tuyên bố thắng cử nêu trên của đối thủ; đồng thời tự tuyên bố ông A.Sa-phích đã giành được 51,5% số phiếu bầu.
Trong khi đó, tại Thủ đô Cai-rô và nhiều địa phương khác của Ai Cập, đông đảo người dân đã xuống đường hoan nghênh ứng cử viên tổng thống M.Mo-xi thắng cử và phản đối những hành động củng cố quyền lực của SCAF trong hai ngày qua. Xung đột chết người tái diễn tại thủ đô. Bản thân ông M.Mo-xi ngày 18-6 đã tổ chức họp báo bày tỏ cảm ơn đối với những người ủng hộ, biết ơn và chia sẻ đối với những gia đình có người bị giết và những người bị thương trong "cuộc cách mạng". Ông kêu gọi người dân Ai Cập hãy đoàn kết vì tương lai đất nước. Tổ chức "Anh em Hồi giáo" tại Ai Cập cáo buộc quân đội nước này đang tìm cách độc chiếm quyền lực bằng việc giải tán quốc hội mới được bầu do phe Hồi giáo chiếm đa số, đồng thời yêu cầu tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về quyết định này. Người phát ngôn QH Ai Cập, ông Xa-át An Cát-ta-ni nêu rõ, theo hiến pháp mới được sửa đổi, không có quy định hay bộ luật nào cho phép bất cứ phe phái hoặc lực lượng nào được quyền giải tán cơ quan lập pháp. Cùng với quyết định vi hiến, SCAF cũng ra lệnh cấm bất kỳ ai, trừ nhân viên và phóng viên QH, được phép vào tòa nhà QH. Các nghị sĩ Hồi giáo trong QH đã dọa sẽ tổ chức họp QH tại Quảng trường trung tâm Ta-hơ-ria của thủ đô, nếu họ bị cấm vào tòa nhà quốc hội. Bộ Quốc phòng Ai Cập đã ban hành sắc lệnh cho phép cảnh sát quân đội điều tra và bắt giữ dân thường.
Những quyết định nêu trên của lực lượng vũ trang góp phần làm bầu không khí chính trị tại Ai Cập thêm rối ren và phức tạp, gây trở ngại cho tổng thống đắc cử. Hơn nữa, Tổ chức "Anh em Hồi giáo" đang đối mặt với một thách thức mới sau khi luật sư Mô-ha-mét Xê-ha-ta khiếu nại lên Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập yêu cầu giải tán tổ chức này, vì đã tiến hành bất hợp pháp các hoạt động chính trị và xã hội bất chấp việc bị cấm hoạt động chính trị từ năm 1954. Trong bối cảnh đó, năm chính đảng tại Ai Cập là Người Ai Cập Tự do, Dân chủ Xã hội Ai Cập, Tự do Ai Cập, Mặt trận Dân chủ và Ka-ra-ma đã kêu gọi thành lập một lực lượng chính trị ủng hộ nhà nước dân sự để chống lại quân đội và phe Hồi giáo. Các đảng này cho rằng, những biện pháp mạnh vừa qua của SCAF cầm quyền là toan tính khôi phục chính quyền của cựu Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc.
Trước những diễn biến cực kỳ rắc rối trên chính trường Ai Cập trong thời kỳ "hậu Mu-ba-rắc", ông A-sơ-ráp Tha-bét, cựu Phó Chủ tịch QH, đã hối thúc tất cả lực lượng đoàn kết để "tránh sự leo thang khủng hoảng với SCAF". Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã lên tiếng bày tỏ mong muốn SCAF chuyển giao toàn bộ quyền lực cho chính phủ dân sự, đáp ứng nguyện vọng của người dân Ai Cập cũng như cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một thể chế nhà nước dân chủ. Chính quyền Mỹ và Pháp cũng kêu gọi SCAF tuân thủ cam kết chuyển giao chính quyền cho Tổng thống đắc cử vào ngày 30-6 tới như đã cam kết. Chính phủ Mỹ cũng cho rằng, SCAF đang cố kéo dài quyền lực ở nước Bắc Phi này.
Dư luận chung nhận xét rằng, dù ứng cử viên tổng thống nào giành thắng lợi, Ai Cập vẫn sẽ phải đối mặt một cuộc khủng hoảng mới do mâu thuẫn giữa phe Hồi giáo với Hội đồng quân sự cầm quyền. Thủ lĩnh phe Hồi giáo chiếm đa số trong QH Ai Cập, ông Hu-xê-in I-bra-him tuyên bố, Tổ chức "Anh em Hồi giáo" sẽ không "đầu hàng cuộc đảo chính" của quân đội.
Theo nhandan.com.vn