Bức tranh kinh tế thế giới phủ mầu xanh

08:06, 22/06/2012
Ông An-đru Bơn, Trưởng nhóm Các xu hướng kinh tế vĩ mô toàn cầu thuộc Bộ phận Triển vọng phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 18-6,  dự báo,  nền kinh tế toàn cầu suy giảm trong cả năm 2012, đồng thời khuyến cáo các nước đang phát triển cần chuẩn bị đối phó với thời kỳ khó khăn sắp tới. WB dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển năm 2012 là 5,3%.

Theo WB, dòng vốn chảy đến các nước đang phát triển giảm khoảng 40% trong tháng 5-2012, gây ra những tác động tiêu cực đối với hoạt động kinh tế. Tình trạng suy giảm cũng bắt nguồn từ việc nguồn cung trên thị trường ngày càng dư thừa và  các nước đang phát triển siết chặt chính sách trong năm 2011 sau khi thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Thanh niên Tây Ban Nha yêu cầu việc làm, nhà ở, bảo hiểm...    ( Ảnh: AFP )
Thanh niên Tây Ban Nha yêu cầu việc làm, nhà ở, bảo hiểm...

Tại nhiều nước phát triển, tình trạng suy thoái kinh tế bộc lộ rõ, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính, thâm hụt ngân sách, hoạt động ngoại thương trì trệ... Hậu quả là số người thất nghiệp gia tăng. Bất bình trong xã hội ngày thêm sâu sắc. Tại một số nước, chính phủ bị đổ hoặc phải cải tổ,  lực lượng cầm quyền bị thất cử. Các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, I-ta-li-a... chưa thể hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế 2008-2009.

 Ðó là những cơ sở để hai nhà kinh tế Ðức là  D. Hai-lơ-man và B.Ruê-rúp, trong cuốn sách chung có tên Những năm thịnh vượng - tại sao Ðức có một tương lai sáng sủa, đã nêu ra viễn cảnh rằng, đến năm 2030, nếu hình thành một Nhóm G-7 mới thì chỉ còn ba nước G-7 cũ có mặt, bốn nước thành viên mới  thuộc Nhóm BRICS là Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nga và Bra-xin. Ðức sẽ là nước Tây Âu duy nhất trong Câu lạc bộ cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này.

Giáo sư D.Me-se-nơ, Giám đốc Viện Chính trị phát triển Ðức (DIE) nhận định, thế kỷ 21 sẽ không còn là sự thống trị của phương Tây nữa. Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp là quá trình đưa các nước phương Tây phát triển nhanh, tách khỏi phần còn lại của thế giới. Từ năm 1960 đến 1990 có khoảng 25 nước có mức  tăng trưởng kinh tế nhanh hơn các nước phương Tây. Một nhóm các nước đang phát triển đã vươn lên bắt kịp nhịp độ. Trong 20 năm gần đây, 75 nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh gấp hai lần các nước công nghiệp phát triển cũ. Ðiều đó có nghĩa là quá trình toàn cầu hóa đã đưa đến một sự cân bằng giữa các nước OECD và các nước đang phát triển trước đây. Trung Quốc có thể trở thành  nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.  Châu Âu hiện nay chìm đắm trong cuộc khủng hoảng nợ nần, đe dọa sự tồn tại của Khu vực Eurozone. Nếu khu vực Eurozone không tan rã thì  nền kinh tế EU phải mất mười năm  mới có thể lấy lại đà tăng trưởng và điều này cũng sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế phần còn lại của thế giới.

Về tương lai của các nền kinh tế ở châu Phi và  Mỹ la-tinh, ông D.Hai-lơ-man cho rằng,  mặc dù các nước châu Phi ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ nần ở châu Âu, song khó có thể duy trì được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao. Vấn đề là  số dân tăng nhanh không kiểm soát được với khoảng 4-5%/năm, nạn  tham nhũng vô độ và xung đột giữa các phe phái và bộ tộc. Ông Me-se-nơ cho rằng, khu vực Mỹ la-tinh cũng trong hoàn cảnh tương tự. Tại đây, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cũng dựa trên sự bùng nổ tài nguyên,  các vấn đề xã hội còn nhức nhối. Mỹ la-tinh  được cho là một châu lục mất cân bằng lớn nhất về phân phối thu nhập. Mỹ la-tinh phát triển khá hơn khu vực châu Phi, nhưng  không mạnh mẽ và năng động như châu Á.

Ông Me-se-nơ dự đoán, nếu khí hậu toàn cầu tiếp tục diễn biến xấu, thì đến năm 2030 thế giới sẽ chịu những tác động tiêu cực lớn về nguồn cung cấp nước và lương thực cũng như những hiện tượng thời tiết cực kỳ khắc nghiệt chưa từng có. Bên cạnh biến đổi khí hậu, các vấn đề thương mại thế giới, thị trường tài chính quốc tế và  di dân cũng hưởng sự phát triển chung của các nước. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác quốc tế vấn đề thời sự của các nước EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Hô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô cảnh báo rằng, EU đang trong thời điểm quyết định để vượt qua khủng hoảng. Ông yêu cầu các nước hãy hy sinh nhiều hơn quyền lợi quốc gia, tập trung nhiều hơn cho khối để ngăn chặn và thoát ra khỏi khủng hoảng. Nhưng trên thực tế, chính phủ  nhiều nước thành viên EU đã công khai phản đối đề nghị của lãnh đạo EC.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com