Bốn nước Eurozone và Bộ ba cứu trợ

09:06, 13/06/2012

Tây Ban Nha là nước Eurozone thứ tư cần đến các gói cho vay quốc tế khẩn cấp. Trước đó, Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã nhận viện trợ từ EU, Eurozone và IMF. Nhưng Tây Ban Nha sẽ nhận các gói cứu trợ theo cách khác.

Tây Ban Nha: đánh tiếng nhưng chưa văn bản

Tây Ban Nha chưa hề đệ trình một yêu cầu viện trợ chính thức nào tới 16 nước thành viên Eurozone. Tuy nhiên người ta dự đoán quốc gia này sẽ nhanh chóng phải thực hiện việc này, bởi nếu không có một văn bản chính thức, quỹ giải cứu chung EFSF không thể tiếp cận các thị trường để có một khoản tiền chuyển cho Tây Ban Nha- một khoản trị giá khoảng 100 tỷ euro. Về phần mình, Tây Ban Nha dự định chuyển giao các quỹ này cho các ngân hàng đã quốc hữu hóa một phần nhằm cứu chúng khỏi sự phá sản. Các khu vực ngân hàng Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã được tái vốn hóa nhờ các gói cứu trợ của EFSF theo cách thức tương tự.

Trước khi từng phần của khoản cho vay được giải ngân, bộ ba bao gồm đại diện của Ủy ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ đánh giá xem nước này có đáp ứng được các điều kiện để nhận được khoản vay hay không. Tây Ban Nha cũng đã trải qua quá trình đánh giá như vậy. Các bộ trưởng tài chính của Eurozone đã mời đích danh IMF đưa ra đánh giá riêng của cơ quan này về tình trạng hiện tại của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Tây Ban Nha đã từ chối việc nhận các khoản vay từ IMF bởi vì thể chế này luôn kèm các điều kiện ngặt nghèo với các khoản cho vay.

Bộ ba có là phao cứu sinh cho đồng euro?
Bộ ba có là phao cứu sinh cho đồng euro?

Tuần trước, Bộ trưởng tài chính Tây Ban Nha Cristobal Montoro đã thừa nhận rằng đất nước ông không thể tiếp cận được các nguồn quỹ cần thiết vào thời điểm này và rằng nước ông cần sự giúp đỡ từ các đối tác châu Âu. Một khả năng khác là quỹ giải cứu cố định ESM có thể sẽ cung cấp tài chính cho Tây Ban Nha. Song, ESM sẽ chỉ đi vào hoạt động sớm nhất là giữa tháng 7 này. Trong khi đó tình hình tại Tây Ban Nha đã nguy ngập hơn bao giờ hết khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên hơn 25%, nợ xấu chôn trong bất động sản đã lên tới khoảng 180 tỷ euro. Mặc dù vậy, việc Tây Ban Nha vay mượn tiền của các đối tác châu Âu để giải cứu các ngân hàng của họ lại sẽ góp phần khiến khoản thâm hụt ngân sách vốn có càng phình to, có thể lên 80% GDP của nước này trong năm 2012-2014.

Hy Lạp: Ca nghiêm trọng nhất

Kể từ tháng 5-2010, Hy Lạp đã nhận các gói cứu trợ khẩn cấp từ ECB, Ủy ban châu Âu và IMF. Hai phần của các gói cứu trợ cho Hy Lạp đã được giải ngân lên tới 240 tỷ euro. Theo EFSF, khoảng 107 tỷ euro được lấy từ các quỹ của châu Âu, IMF đóng góp thêm 30 tỷ euro nữa. Hy Lạp bị gắn chặt với các điều kiện ngân sách nghiêm ngặt, được giám sát bởi bộ ba. Đầu năm nay, Hy Lạp cũng đã chịu cảnh cắt giảm mạnh từ các nhà tài trợ tư nhân vốn đem lại cho nước này khoản lợi nhuận 35 tỷ euro.

Ireland: nặng gánh với khoản vay bất động sản xấu

Giống như Tây Ban Nha, Ireland cũng đang chịu các hậu quả từ việc nổ bong bóng bất động sản dẫn đến cuộc khủng hoảng ngân hàng. Chính phủ Ireland đã phải hứng toàn bộ các nguy cơ của hệ thống ngân hàng. Với một quốc gia không có khả năng bơm tiền vào thị trường để chi trả cho các khoản nợ, Ireland đã phải cầu viện đến khoản tiền trị giá 85 tỷ euro từ bộ ba. Khoảng 35 tỷ euro trong số đó được dùng để giải cứu các ngân hàng. Ngược lại, Chính phủ Ireland đã phải tự buộc mình với các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ. Không như Hy Lạp, Ireland đang thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện này, Nhưng chính phủ Ireland hiện đang cố gắng giảm tỷ lệ lãi suất các khoản vay từ các đối tác châu Âu, đồng thời mở rộng biên độ các điều khoản. Các chuyên gia dự đoán rằng Ireland sẽ có thể cung cấp tài chính cho khoản nợ công của nước này trên thị trường vào cuối năm 2013.

Bồ Đào Nha: cứu trợ là chưa đủ

Bồ Đào Nha đã chịu áp lực của các thị trường tài chính từ tháng 5-2011 khi nước này bắt đầu yêu cầu cứu trợ từ Eurozone. Bồ Đào Nha sẽ có thể tiếp cận được với khoản vay khẩn cấp 78 tỷ euro vào giữa năm 2014. Một phần ba khoản tiền này là từ IMF. Hiện Bồ Đào Nha đang mắc kẹt trong các điều kiện của các nhà cho vay dù nước này đã sử hơn một nửa số tiền cứu trợ trong vòng một năm qua. Và vì thế Bồ Đào Nha có thể phải yêu cầu tới sự trợ giúp một lần nữa trước năm 2014. Cùng với các gói cho vay khẩn cấp từ EU và IMF, ECB đã mua một số lượng lớn các trái phiếu chính phủ để giúp các quốc gia đang lâm vào tình cảnh quặt quẹo. Việc này nhằm giúp tỷ lệ lãi suất của Italy và Tây Ban Nha ở mức chấp nhận được. Tính tổng thể, ECB đã đầu tư 200 tỷ euro cho một chương trình gây tranh cãi trong khu vực.

Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Ủy ban châu Âu đã cho các quốc gia không sử dụng đồng tiền chung euro vay vốn. Hungary, Lithuania và Rumani đã nhận được tổng số tiền 14 tỷ euro.

Theo: nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com