Bầu cử Quốc hội Hy Lạp: Phe ủng hộ "thắt lưng buộc bụng" giành chiến thắng

07:06, 19/06/2012

Theo kết quả chính thức từ cuộc bầu cử quốc hội lại ở Hy Lạp vừa công bố rạng sáng 18-6, đảng Dân chủ Mới (ND) theo đường lối ủng hộ các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quan trọng ngày 17-6. Bộ Nội vụ Hy Lạp tuyên bố, Đảng Dân chủ mới giành được 29,66% tỷ lệ ủng hộ, Đảng Syriza phản đối gói cứu trợ về nhì với tỷ lệ 26,89%, Đảng Pasok đạt được 12,28%.

Chủ tịch Quốc hội Vi-rôn Pô-li-đô-rát (Vyron Polydoras) cho biết, đảng ND đã giành được 129 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội Hy Lạp và theo luật pháp của nước này, đảng nhận được nhiều phiếu nhất sẽ đương nhiên được hưởng thêm 50 ghế. Trong khi đó, đảng Syriza, Liên minh các lực lượng cực tả, giành được 71 ghế và đảng Xã hội Pasok có được 33 ghế. Bốn đảng tiếp theo có tỷ lệ dưới 10% số phiếu.

Như vậy, đảng ND và đảng xã hội Pasok - hai đảng vốn ủng hộ các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ của IMF và EU, đã giành được đa số quá bán cần thiết để đứng ra thành lập chính phủ mới và giải tỏa được nỗi lo Hy Lạp sẽ rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). “Người Hy Lạp hôm nay đã quyết định ở lại khu vực đồng ơ-rô và đi theo lộ trình của châu Âu. Sẽ không còn sự mạo hiểm hay hoài nghi nào về vị trí của Hy Lạp ở châu Âu”, Chủ tịch Đảng ND A.Xa-ma-rát (A.Samaras) phát biểu. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Syriza, ông A-lê-xít Tơ-xi-prát (Alexis Tsipras) đã thừa nhận thất bại nhưng khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để phản đối các biện pháp thắt chặt chi tiêu. Hiện lãnh đạo đảng xã hội Pasok, ông Ê-van-giê-lốt Vê-ni-dê-lốt (Evangelos Venizelos) cho biết đã sẵn sàng gia nhập liên minh để thành lập chính phủ với đảng ND, với điều kiện các đảng cánh tả khác cũng tham gia liên minh này.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Mới Xa-ma-rát mừng chiến thắng cùng những người ủng hộ. Ảnh: Roi-tơ.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Mới Xa-ma-rát mừng chiến thắng cùng những người ủng hộ. Ảnh: Roi-tơ.

Đảng ND và các đối tác liên minh tiềm tàng như Pasok và đảng cánh tả Dân chủ (DL) đã ủng hộ việc sửa đổi một phần các biện pháp cắt giảm chi tiêu hà khắc nhất trong các thỏa thuận cứu trợ quốc tế phối hợp với các chủ nợ nhằm giảm nhẹ gánh nặng nợ mà Hy Lạp đã phải gánh chịu từ cuộc khủng hoảng, nhờ đó có thể tránh được nguy cơ bị vỡ nợ và không phải ra khỏi Eurozone. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, chính phủ mới của Hy Lạp vẫn nên đàm phán lại với EU và IMF. Bởi tất cả các đảng và dư luận Hy Lạp đều đánh giá chương trình thắt lưng buộc bụng của A-ten quá ngặt nghèo, khiến nền kinh tế đất nước lún sâu thêm vào suy thoái. AFP cho biết, một số doanh nghiệp và ngân hàng quốc tế lớn đã tìm cách rút khỏi Hy Lạp.

Phản ứng trước kết quả bầu cử lại ở Hy Lạp, IMF và EU cam kết sẽ tiếp tục trợ giúp quốc gia đang vận lộn với khủng hoảng tài chính này. Anh cũng cam kết sẽ hợp tác với chính phủ mới ở Hy Lạp. Từ Oa-sinh-tơn, người phát ngôn Nhà Trắng Giây Ca-ni (Jay Carney) tuyên bố, Mỹ hy vọng kết quả bầu cử sẽ dẫn đến sự hình thành nhanh chóng một chính phủ mới để bảo đảm giải quyết các thách thức kinh tế theo “tiến độ kịp thời”.

Ngay sau khi kết quả bầu cử ở Hy Lạp được công bố, các nước Eurozone đã phát đi tín hiệu sẽ nhượng bộ và linh hoạt hơn với A-ten về thời hạn thực hiện những điều khoản trong khuôn khổ thỏa thuận vay 130 tỷ ơ-rô (165 tỷ USD). Mặc dù vẫn khẳng định sẽ không có những điều chỉnh cơ bản, nhưng Ngoại trưởng Đức Gui-đô Ve-xtơ-ve-lơ (Guido Westerwelle) cho rằng, các bên liên quan có thể thảo luận về việc trì hoãn thời gian thực hiện các mục tiêu. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Pi-e Mô-xcô-vi-xi (Pierre Moscovici) cho biết, các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ nhanh chóng đưa ra tuyên bố về cách tiếp cận đối với tình hình hiện nay ở Hy Lạp. Theo ông, khu vực Eurozone vẫn yêu cầu Hy Lạp can dự để tiếp tục duy trì đồng tiền chung, nhưng cũng "quan tâm tới những điều kiện kinh tế-xã hội cụ thể" của nước này.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com