U-crai-na "gác lại" kế hoạch gia nhập EU

08:05, 21/05/2012
Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích (bên trái) và Chủ tịch EC Ba-rô-xô trong một cuộc gặp tại Ki-ép năm 2011. Ảnh: AP
Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích (bên trái) và Chủ tịch EC Ba-rô-xô trong một cuộc gặp tại Ki-ép năm 2011. Ảnh: AP

Bộ Ngoại giao U-crai-na ngày 18-5 cho biết nước này sẽ không nộp đơn xin hưởng quy chế ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai gần.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo cấp cao ở Thủ đô Ki-ép với chủ đề "Quan hệ U-crai-na - EU vào thời điểm quyết định", Ngoại trưởng U-crai-na Cô-xtan-tin Ri-sen-cô nói: "Tôi xin cam đoan một lần nữa với các đại diện của EU rằng hôm nay chúng tôi sẽ không đề cập triển vọng thành viên của khối". Tuy nhiên, ông Ri-sen-cô nhắc lại rằng, hội nhập châu Âu vẫn là một ưu tiên đối với tương lai của U-crai-na và EU nên đưa ra một lập trường rõ ràng về vị trí và vai trò của U-crai-na tại lục địa châu Âu.

Ngày 30-3-2012, EU và U-crai-na đã ký tắt một thỏa thuận, bao gồm các dàn xếp cho một khu vực thương mại tự do và một lộ trình bãi bỏ chế độ thị thực đối với các công dân U-crai-na. EU đã hoãn phê chuẩn thỏa thuận này do tình trạng "công lý có chọn lựa", nhất là cáo buộc về việc "ngược đãi" cựu Thủ tướng Y.Ti-mô-sen-cô đang ở trong tù. Vì thế, tuyên bố trên của Ngoại trưởng U-crai-na được cho là lời đáp trả “có đi có lại” với giới chức EU.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa EU và U-crai-na đang ngày càng trở nên căng thẳng sau vụ U-crai-na bắt giữ và kết án tù đối với cựu Thủ tướng Ti-mô-sen-cô hồi năm ngoái. Bà Ti-mô-sen-cô, 51 tuổi, người được mệnh danh "Nữ hoàng khí đốt”, bị bắt giữ kể từ hồi tháng 8-2011 với cáo buộc lạm dụng quyền lực trong khi đàm phán một thỏa thuận khí đốt với Nga hồi năm 2009. Tháng 10 cùng năm, bà Ti-mô-sen-cô bị tuyên án bảy năm tù giam. Việc này khiến quan hệ giữa U-crai-na và EU căng thẳng. Thậm chí các quan chức EU cũng có những lời lẽ ám chỉ rằng, với vụ việc trên, chuyện gia nhập EU của U-crai-na sẽ khó khăn hơn. Bất chấp việc đó, nhà chức trách Ki-ép hiện vẫn chưa mở các cuộc điều trần mới về nhân vật này liên quan đến những cáo buộc trốn thuế từ những năm 1990 có thể khiến án tù kéo dài tới tận năm 2023.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, những người ủng hộ cựu Thủ tướng Ti-mô-sen-cô đã tung ra những bức ảnh cho thấy, bà Ti-mô-sen-cô đã bị "tra tấn” ở trong tù. Ngay khi những thông tin xấu về tình trạng sức khỏe của bà Ti-mô-sen-cô được tung ra, một loạt quan chức cấp cao EU đã tuyên bố tẩy chay VCK Euro 2012, sẽ diễn ra vào tháng 6 tới đây tại Ba Lan và U-crai-na. U-crai-na lúc đó đã bác bỏ những cáo buộc của bà Ti-mô-sen-cô, đồng thời coi hành động của giới chức hàng đầu EU tẩy chay các sự kiện thể thao ở U-crai-na để phản đối việc bắt giam và đối xử với bà Ti-mô-sen-cô là "chiến thuật thời Chiến tranh Lạnh”.

Phản ứng có phần quyết liệt quá mức của các nhà lãnh đạo EU trước vụ việc liên quan đến bà Ti-mô-sen-cô được cho là không quá bất ngờ vì bà Ti-mô-sen-cô từng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc "Cách mạng Cam” năm 2004 đưa ông Y-u-sen-cô với đường lối thân phương Tây vào chiếc ghế Tổng thống của U-crai-na. Tuy nhiên, “sản phẩm cách mạng” có xuất xứ từ Mỹ và phương Tây này không tồn tại được lâu do chính những cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực giữa ông Y-u-sen-cô và bà Ti-mô-sen-cô cùng sự sa sút thảm hại trong mức sống của người dân sau cách mạng. Kết quả là ông Y-a-nu-cô-vích đã giành chiến thắng đầy ngoạn mục trong cuộc bầu cử năm 2010. Việc một nhà lãnh đạo thân Nga trở lại lãnh đạo U-crai-na và bà Ti-mô-sen-cô bị bắt giam khiến các nhà lãnh đạo phương Tây không mấy hài lòng nên trong thời gian xét xử người phụ nữ quyền lực một thời, họ liên tục chỉ trích chính quyền Tổng thống Y-a-nu-cô-vích vi phạm nhân quyền./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com