Đông Á không thoát khỏi ảnh hưởng khủng hoảng Eurozone

07:05, 24/05/2012

Cuộc khủng hoảng nợ Eurozone có thể gây tổn hại tới tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Á, Ngân hàng thế giới (WB) hôm nay cảnh báo trong báo cáo mới nhất của cơ quan này.

WB chỉ rõ tình trạng tồi tệ nghiêm trọng trong Eurozone có thể tổn hại tới tốc độ tăng trưởng và làm sứt mẻ nhu cầu dành cho lĩnh vực xuất khẩu từ Đông Á.

Trong báo cáo này, WB nhận định các nền kinh tế khu vực Đông Á sẽ vẫn tăng trưởng cao nhưng bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc khi dự đoán tốc độ tăng trưởng của toàn khu vực sẽ chỉ đạt 7,6% trong năm nay, giảm từ mức 8,2% trong năm ngoái, chủ yếu bởi nhu cầu sụt giảm của các thị trường chính như Mỹ và châu Âu.

Cuộc khủng hoảng Eurozone có thể gây tổn hại tới nhu cầu xuất khẩu của khu vực (ảnh: internet)
Cuộc khủng hoảng Eurozone có thể gây tổn hại tới nhu cầu xuất khẩu của khu vực (ảnh: internet)

WB chỉ rõ: “Triển vọng của Đông Á, cũng như các khu vực đang phát triển khác, bị đè nặng bởi sự phục hồi ảm đạm của Mỹ và, chủ yếu là tình trạng bấp bênh của châu Âu”.

Thêm vào đó, WB cũng cảnh báo rằng sự giảm tốc thậm chí còn mạnh hơn nữa nếu các điều kiện kinh tế toàn cầu tồi tệ hơn: “Triển vọng tăng trưởng ở các thị trường phát triển, và một tác động tiềm ẩn rằng một cơn suy thoái toàn cầu mới sẽ ảnh hưởng tới thương mại và các dòng vốn, càng làm tăng thêm tính bất ổn về triển vọng tăng trưởng ở châu Âu, Nhật Bản, và nhất là Đông Á”.

WB cũng cảnh báo rằng tình trạng giảm tốc đang diễn ra nhanh hơn dự đoán tại Trung Quốc cũng là một mối đe doạ đối với sự tăng trưởng của khu vực: “Một Trung Quốc tăng trưởng chậm - chiếm 80% tổng sản lượng của các nước Đông Á đang phát triển- sẽ là một sự cản trở tốc độ tăng trưởng của hầu hết các nước trong khu vực bởi vai trò ngày càng tăng lên của Trung Quốc như là một điểm đích xuất khẩu và là nguồn đầu tư nước ngoài”.

WB nói thêm: “Đặc biệt, quá trình chậm lại trong đầu tư của Trung Quốc chủ yếu sẽ làm tổn thương nhu cầu hàng hoá và các tài sản vốn, đồng thời đặc biệt tác động đến các nhà xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên vốn đang phụ thuộc mạnh vào nhu cầu của Trung Quốc”.

Vì vậy, WB cho rằng các nước Đông Á cần giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và chú trọng vào việc thúc đẩy nhu cầu nội địa để tái cân bằng nền kinh tế của họ và tăng trưởng bền vững.

Chuyên gia kinh tế của WB, trưởng nhóm soạn thảo bản báo cáo, ông Bryce Quillin nói một số nước cần phải kích thích tiêu dùng hộ gia đình trong khi một số nước khác cần tính toán đến việc tăng cường đầu tư, đặc biệt cho cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia kinh tế trưởng James F. Smith tại công ty thiết kế tài chính Parsec Financial của Mỹ nói: “Những nước này nên thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tăng lên, giả sử rằng họ có các nền kinh tế mở cửa hợp lý và không có rào cản đối với các dòng vốn”.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, những gì ông gọi là “sự sụp đổ tài chính” sắp diễn ra của Nhật Bản có thể đánh dấu một thách thức lớn đối với châu Á, nhiều hơn bất kỳ khó khăn nào bắt nguồn từ châu Âu và Bắc Mỹ”.

Theo: nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com