Ấn Độ và Pa-ki-xtan cam kết hợp tác chống khủng bố
Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Khursheed Kasuri (trái) và người đồng nhiệm Ấn Độ Pranab Mukherjee trước khi ký một thỏa thuận song phương sau một cuộc gặp gỡ ở New Delhi. |
Theo Roi-tơ, ngày 25-5, kết thúc cuộc họp giữa Bộ trưởng Nội vụ hai nước láng giềng Pa-ki-xtan và Ấn Độ tại thành phố Bơ-ban của Pa-ki-xtan, hai bên đã đưa ra Tuyên bố chung cam kết cùng hợp tác chống khủng bố, loại trừ hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng, chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là "mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và việc bình thường hóa các quan hệ song phương". Tại buổi họp, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, như chống nạn mua bán người, ma túy, tiền giả và tội phạm công nghệ.
Bầu cử tổng thống Ai Cập
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập vừa qua, trong số 12 ứng cử viên, ứng viên của tổ chức "Anh em Hồi giáo", ông Mô-ha-mét Mơ-xi và cựu Thủ tướng dưới thời cựu Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc, ông A-mét Sa-phích là những người giành nhiều phiếu nhất và nhiều khả năng sẽ cùng tranh cử ở cuộc bầu cử vòng hai, dự kiến tiến hành trong các ngày 16 và 17-6. Kết quả kiểm phiếu tại 25/27 tỉnh ở Ai Cập, công bố tối 25-5, cho thấy ông Mơ-xi giành được 25,3% số phiếu ủng hộ, trong khi ông Sa-phích được 24,9% phiếu ủng hộ. Theo quy định, nếu không có ứng cử viên nào giành được hơn 50% phiếu bầu để trở thành người đắc cử ngay ở vòng một, thì hai ứng cử viên được nhiều phiếu bầu nhất sẽ tham gia tranh cử ở vòng hai.
Châu Âu kêu gọi G-20 chú trọng vấn đề tăng trưởng kinh tế và việc làm
Ngày 25-5, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực này tập trung thảo luận các vấn đề tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) dự kiến diễn ra tại Mê-hi-cô tháng 6 tới. Trong bức thư chung gửi lãnh đạo 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), Chủ tịch Ủy ban châu Âu G.M.Ba-rô-xô và Chủ tịch Hội đồng châu Âu V.Rôm-pơi nêu rõ, mặc dù kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục, song tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vấn đề tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm phải là những nội dung quan trọng tại Hội nghị G-20 sắp tới. Hội nghị cũng cần ưu tiên thảo luận các vấn đề củng cố cấu trúc tài chính quốc tế, cải cách thị trường tài chính, an ninh lương thực, đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại và tiếp tục tăng cường hệ thống buôn bán đa phương./.
Theo: nhandan.com.vn