Nằm cách thủ đô Phnom-Penh (Campuchia) khoảng 18km, dọc theo bờ sông Tongle Sap có một địa danh tên Xóm Mới, chỉ toàn người Việt sinh sống. Họ mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Người dân ở đây luôn cần cù làm ăn và vẫn giữ được bản tính chân chất và hiếu khách của người dân Nam Bộ.
Lớp học tiếng Việt cho trẻ em trong khuôn viên chùa Quan Âm Hội. |
Đa số bà con Xóm Mới chuyên về làm nghề đánh bắt cá, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây cũng có một số người chuyển sang làm thợ hồ, làm tủ thờ, đóng bàn ghế... Theo lời ông Đạo người đã sống ở đây được 30 năm: "Từ năm 2000 trở về trước, người làm nghề đánh bắt cá đều phải đóng thuế cho chính quyền, nhưng từ năm 2000 về sau này ít khi bị thu thuế, dễ làm ăn hơn nhưng nguồn cá lại ít đi”.
Cũng nằm cách thủ đô Phnom-Penh không đầy 10km là một xóm người Việt khác, vẫn quen gọi là xóm Cây số 9, thuộc địa bàn phường Svay Pak, quận Russey Keo. Do vị trí khá gần thủ đô nên xóm này trông giống một khu phố, nhà cửa có phần khang trang hơn. Người dân trong xóm đa phần làm nghề thợ hồ, thợ nề hoặc thợ chạm khắc gỗ như gia đình anh Hứa Văn Hoắc, trước kia ở Đồng Nai, sang Campuchia định cư từ năm 1983. Anh Hoắc cho biết nghề chạm gỗ bây giờ cũng gặp khó khăn hơn trước, do chính quyền ngày càng cấm đoán việc khai thác, buôn bán gỗ, nên cuộc sống của chúng tôi cũng khó khăn hơn.
Sống nơi xứ người, bà con người Việt luôn cần có một chỗ dựa tinh thần và chỗ dựa ấy thường là các chùa chiền. Tại Xóm Mới có một ngôi chùa Phước Long Tự, xây từ năm 2000, hiện đang được trùng tu. Trụ trì ngôi chùa này là sư cô Thích Nữ Diệu Hòa. Cũng chính sư cô Diệu Hòa là người tổ chức vận động bà con Phật tử đóng góp kinh phí xây dựng lại Phước Long Tự ngày càng khang trang hơn.
Hơi khác với Phước Long Tự ở Xóm Mới được xây dựng hoàn toàn do sự đóng góp của người dân thì ngôi chùa Quan Âm Hội ở xóm Cây số 9 lại nhận được sự hỗ trợ của Giáo hội Phật giáo trong nước cũng như sự đóng góp của nhiều mạnh thường quân, nên khang trang hơn nhiều. Nghe nói sau một lần đi hành hương qua Campuchia, Thượng toạ Từ An Lạc quyết định ở lại trụ trì chùa Quan Âm Hội. Thượng toạ Từ An Lạc kể: "Cũng nhờ sự đóng góp của thiện nam tín nữ, Phật tử trong nước nên chùa mới được xây dựng và mỗi năm đều được trùng tu, phát triển thêm để sau này có một Phật thất dùng khi niệm Phật. Mỗi tháng các thiện nam tín nữ, Phật tử có nơi tu học, theo mô hình của chùa Hoằng Pháp ở bên quê nhà...”.
Mặc dù cuộc sống của bà con người Việt ở đây còn bấp bênh, khó khăn nhưng vào các ngày lễ, những ngôi chùa thu hút rất đông người đến viếng lãm, đặc biệt dịp lễ Vu Lan rằm tháng 7. Đáng chú ý, trong phạm vi đất chùa Quan Âm Hội cũng có một trường học dạy tiếng Việt và tiếng Campuchia, để con em người Việt sau này dễ dàng hoà nhập vào xã hội.
Với nhiều bà con người Việt ở Xóm Mới cũng như xóm Cây số 9, thực tế cuộc sống còn nhiều khó khăn do công việc bấp bênh, nhất là đang lúc giá cả ngày càng leo thang (một lít xăng nay tương đương khoảng 1,25 USD). Công việc làm ăn của người Việt vùng ngoại ô Phnom-Penh cũng bị ảnh hưởng. Anh Hứa Văn Hoắc nói: "Bây giờ làm nghề chạm gỗ ở Campuchia khó khăn hơn trước, gia đình tôi cũng suy nghĩ đến khả năng quay trở về quê hương...”. Nhưng nguyện vọng của anh Hoắc cũng như một số gia đình nơi đây, việc quay trở về Việt Nam sinh sống cũng là chuyện vượt quá khả năng của họ bởi điều kiện kinh tế khó khăn./.
Theo: daidoanket.vn