Vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp: Ai sẽ chiến thắng trong “Ngày chủ nhật khủng”?

08:05, 05/05/2012

Ngày 6-5 còn được gọi là “Ngày chủ nhật khủng” (Super Dimanche), cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp, quyết định ai sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo của quốc gia hình lục lăng này trong 5 năm tới. Trước đó, cuộc tranh luận truyền thống giữa ông Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (François Hollande), ứng cử viên Đảng Xã hội (PS) và đương kim Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy), ứng cử viên Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) vào đêm 2-5 vừa qua cho thấy cả hai đã nỗ lực hết mình cho vòng quyết đấu cuối cùng.

Tổng thống Xác-cô-di (bên phải) và ông Ô-lăng-đơ (bên trái) trong cuộc tranh luận trực tiếp hôm 2-5. Ảnh: Roi-tơ

Tổng thống Xác-cô-di (bên phải) và ông Ô-lăng-đơ (bên trái) trong cuộc tranh luận trực tiếp hôm 2-5. Ảnh: Roi-tơ

Cuộc quyết đấu cuối cùng

Báo chí Pháp cho hay, hơn 18 triệu người dân trên đất Pháp theo dõi trực tiếp cuộc tranh luận nảy lửa này. Trong suốt cuộc tranh luận kéo dài gần 3 giờ, cả ông Xác-cô-di và ông Ô-lăng-đơ đã trình bày và phản bác quan điểm của nhau, từ kinh tế, xã hội đến cải cách giáo dục, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ giá cả thực phẩm, nhiên liệu, đến thâm hụt ngân sách, vấn đề nhập cư, thậm chí cả chính sách đối ngoại... Về cơ bản, cả hai ứng cử viên đều bám sát các nội dung cương lĩnh tranh cử làm cơ sở cho lập luận của mình và phản biện đối phương, song tính chất gay cấn của cuộc quyết đấu này đã bị đẩy lên tới đỉnh.

Bình luận trên báo chí nước ngoài cho thấy, sau cuộc tranh luận, ông Ô-lăng-đơ đã thành công trong nhiều điểm. Qua cuộc tranh luận này, ông đã loại bỏ được những thành kiến của dư luận về khả năng cá nhân của ông và chinh phục được những người còn nghi ngờ về đường hướng chính trị, các phương cách giải quyết của ông. Nếu trước đây, họ cho rằng ông là một người chậm chạp, yếu mềm, thậm chí không có khả năng lãnh đạo, thì nay mọi người đều thấy rằng ông là một người thông hiểu mọi vấn đề hiện tại của nước Pháp, bình tĩnh, đối đáp khôn ngoan, trả đũa nhưng vẫn giữ thái độ lịch sự, xứng đáng trở thành một nguyên thủ. Điểm khôn ngoan nhất và gây ấn tượng nhất suốt thời gian tranh luận là Ô-lăng-đơ đã đưa cử tri trở về hình tượng đạo đức của một tổng thống “bình thường”, trong ý nghĩa châm biếm đối thủ một cách rất khôn khéo, nhẹ nhàng.

Với tư cách của một Tổng thống đương nhiệm, song với bản tổng kết nhiệm kỳ năm nay không thuyết phục và về thứ hai trong cuộc bầu cử vòng một, chính ông Xác-cô-di lại đặt mình vào vị trí “người thách đấu” trên thực tế. Là một chính khách nhiều kinh nghiệm trên chính trường Pháp, có khả năng tranh luận tốt, ông Xác-cô-di vẫn thể hiện được những phẩm chất vốn có của ông trong cuộc tranh luận này. Tuy nhiên, dù công kích đối thủ liên tục nhưng đương kim Tổng thống Xác-cô-di cũng phơi bày ra trước dư luận công chúng sự bất ổn, nóng nảy, yếu lý luận khách quan và cụ thể về kết quả của 5 năm vừa qua.

Không loại bỏ yếu tố bất ngờ

Theo dự đoán của Công ty Ipsos ngày 4-5, ông Ô-lăng-đơ nhiều khả năng chiến thắng với tỷ lệ 52,5%, còn ông Xác-cô-di sẽ thâu tóm được 47,5% số phiếu ủng hộ. Nếu vậy, điều đó đồng nghĩa với khả năng ông Xác-cô-di mãn nhiệm kỳ là khá cao. Nhưng trong mọi dự đoán, không thể loại bỏ yếu tố bất ngờ là ông Xác-cô-di sẽ tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Trong trường hợp này, các nhà bình luận cho rằng, chính sách đối nội của ông Xác-cô-di sẽ ngả mạnh hơn về phía hữu, còn trên chính trường quốc tế, ông Xác-cô-di sẽ đứng trên thế mạnh của sự kiện tái đắc cử, trên sự ủng hộ của các thế lực tài chính Pháp, của các đồng minh như nước Đức, Mỹ, Anh, của thành phần cử tri cánh hữu để tạo ảnh hưởng quyền lực mạnh thêm trong 5 năm tới.

Ngược lại, nếu ông Ô-lăng-đơ đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2012–2017, ông sẽ trở thành vị Tổng thống thứ 24 trong nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp và là vị tổng thống thứ hai của Đảng Xã hội, sau ông Phrăng-xoa Mít-tơ-răng (François Mitterand), người từng làm tổng thống 13 năm từ 21-5-1981 đến 17-5-1995. Khi đó, ông sẽ phải bắt đầu một chương trình thực hiện rất nặng nề để đem lại “công bằng xã hội” cho người dân, cũng như xác định lại thế đứng của nước Pháp trên bình diện quốc tế.

Nhưng dù ai chiến thắng đi chăng nữa, một điều chắc chắn rằng chính sách đối nội và đối ngoại của Pháp sẽ có sự điều chỉnh để thực hiện những cam kết mà ứng cử viên đưa ra trong cương lĩnh tranh cử, nhằm đưa nước Pháp vượt qua những khó khăn nội bộ, vững vàng và cân bằng hơn trên bình diện đối ngoại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế ở châu Âu và vị thế trên thế giới.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com