Tại châu âu đang xuất hiện làn sóng mạnh mẽ chống lại chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Liên minh châu âu (EU) đang được áp dụng nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công. Diễn biến này không chỉ cho thấy nỗ lực vượt qua khủng hoảng của châu âu còn đầy chông gai, mà còn thể hiện rõ nguy cơ chia rẽ khối vốn phải đối mặt với không ít bất đồng.
Thấy rõ trước mắt là nguy cơ rạn nứt sâu sắc giữa hai “đầu tàu” của châu âu là Pháp và Đức sau khi ông ô -lăng-đơ đắc cử Tổng thống Pháp. Nguyên do bởi ông ô -lăng-đơ chủ trương thúc đẩy thay đổi chính sách kinh tế khắc khổ đang được áp đặt ở các nước EU hiện nay nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần. Chủ trương đó đang đặt Pháp và Đức vào thế đối lập nhau bởi chính sách này do chính Thủ tướng Đức Méc -ken và Tổng thống Pháp mãn nhiệm N.Xác -cô-di đề xuất và thúc đẩy. Tổng thống Pháp đắc cử ô -lăng-đơ đã cảnh báo các nhà lãnh đạo châu âu, rằng ông sẽ xúc tiến cam kết tranh cử của mình đó là định hình lại chính sách tài chính của EU với mong muốn châu âu sẽ có một chiến lược thực sự hỗ trợ tăng trưởng thay vì chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Trong khi đó, bà Méc -ken tuyên bố sẽ bảo vệ tới cùng các biện pháp tài chính vốn đã được thông qua trong Hiệp ước Ngân sách châu âu mà ông ô -lăng-đơ đang kêu gọi thương lượng lại để thay đổi. Bà Méc -ken cứng rắn tuyên bố rằng, không thể đàm phán lại một Hiệp ước đã được đa số thành viên EU thông qua chỉ sau một cuộc bầu cử dù ở nước lớn hay nước nhỏ.
Biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” ở Bồ Đào Nha. Ảnh: Roi-tơ |
Chia rẽ có nguy cơ mở rộng hơn trong EU khi các cuộc bầu cử gần đây tại Hy Lạp và I -ta-li-a, chiến thắng đều thuộc về những đảng phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của châu âu. Đặc biệt, tại I -ta-li-a, đảng Phong trào năm ngôi sao đứng đầu trong cuộc bầu cử địa phương ở thành phố Pác -ma, còn kêu gọi I -ta-li-a tuyên bố vỡ nợ và từ bỏ khu vực đồng tiền chung châu âu (Eurozone). Những diễn biến này đang tạo ra sức ép nặng nề đối với chính sách tài chính của châu âu được áp đặt một cách “bất đắc dĩ” trong thời kỳ khủng hoảng.
Nhằm cứu vãn tình hình, EU sẽ tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của khối vào ngày 25-5-2012. Tuy nhiên, trong bối cảnh châu âu đầy sự chia rẽ hiện nay xung quanh chính sách đối phó với nợ công, hội nghị được cho là sẽ chẳng thay đổi được gì. Chính sách “thắt lưng buộc bụng” của EU đang bị nghi ngờ vì kể từ khi được áp dụng, nền kinh tế châu âu tuột dốc với tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục. Các chính sách này càng bị chỉ trích nặng nề khi các dịch vụ bị cắt giảm cùng với nhu cầu tiêu dùng đe dọa tới tăng trưởng kinh tế do thuế bị thất thu. Ngoài ra, độ tuổi về hưu cao hơn trong khi lương hưu và phúc lợi xã hội sụt giảm. Người dân một loạt nước châu âu như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, I-ta-li-a, Hy Lạp… đổ xuống đường biểu tình phản đối chính sách tiết kiệm ngân sách của chính phủ. Hoạt động của một số ngành nghề ở nhiều nước bị tê liệt vì làn sóng đình công phản đối rộng khắp cả nước. Họ cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến cho chất lượng cuộc sống của mình bị đi xuống.
Và sự phản đối mạnh mẽ nhất đối với chính sách của EU chính là sự quay lưng của người dân với các chính phủ ủng hộ và thực hiện chính sách khắc khổ này. Trong thời gian qua, một loạt chính phủ đã sụp đổ mà mới đây nhất là sự thất bại của Tổng thống Pháp Xác -cô-di trong cuộc bầu cử. Việc thực thi chính sách khắc khổ cũng đã là nguyên nhân khiến các chính phủ ở Ai -len, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ru-ma-ni phải ra đi.
Các nhà lãnh đạo châu âu không phải không nhận ra những mặt hạn chế của chính sách “thắt lưng buộc bụng” nhưng họ vẫn buộc phải áp dụng trong khi chưa tìm ra giải pháp nào hiệu quả hơn. Mặc dù kiên quyết bảo vệ chính sách này, Thủ tướng Đức Méc -ken cũng phải thừa nhận, hiện nay khu vực Eurozone đang cần tới cả hai chính sách để ổn định ngân sách và chính sách phục vụ tăng trưởng. Đức cho rằng, Hiệp ước ngân sách mà châu âu phải vất vả nhiều tháng vì những bất đồng mới có được nhằm kiềm chế mức “thâm hụt bong bóng” đang đi đúng hướng. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) La-gác-đơ mới đây đã kêu gọi các nước EU thực thi hài hòa giữa chính sách “thắt lưng buộc bụng” và tăng trưởng kinh tế. Đây quả là vấn đề nan giải với các nước EU vì nếu không cắt giảm chi tiêu sẽ không thể giảm nợ công và thâm hụt ngân sách trong khi vẫn phải bảo đảm tăng trưởng kinh tế.
Theo: qdnd.vn