Ngày 17-5, chính phủ mới của Pháp họp phiên đầu tiên, chỉ một ngày sau khi được thành lập và được đánh dấu bằng hai quyết định mang tính biểu tượng nhưng rất có ý nghĩa vào thời điểm hiện nay. Đó là giảm 30% lương của các thành viên từ tổng thống đến bộ trường, đồng thời ký tên vào hiến chương về đạo đức nghề nghiệp.
Tổng thống François Hollande và các thành viên nội các mới. ( Ảnh: Le Monde ) |
Những động thái ban đầu của ông Hollande và các thành viên trong nội các mới thu hút sự quan tâm của người dân trong bối cảnh khó khăn kinh tế đang bao trùm nước Pháp, đặc biệt là quyết định tự giảm lương. Việc làm này của ông Hollande hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm, Nicolas Sarkozy, khi quyết định tăng lương của tổng thống lên 170% sau khi nhậm chức.
Tiếp đến là việc ký vào cam kết “làm việc gương mẫu” để tạo lòng tin cho người dân. Theo đó các bộ trưởng sẽ phải thể hiện tinh thần làm việc đúng chuẩn lực, công tư rõ ràng, không kiêm nhiệm thêm một trách vụ nào khác như làm nghị sĩ hay đứng đầu một cơ quan hành pháp địa phương.
Bản cam kết này cũng khuyến khích các bộ trưởng sử dụng phương tiện công cộng để tiết kiệm ngân sách, còn nếu sử dụng ô-tô để thì phải tuân thủ luật lệ giao thông như mọi công dân bình thường khác. Trước đó vào ngày 15-5 trên đường tới điện Elysée để nhậm chức, Tổng thống Hollande đã ra lệnh cho đoàn xe hộ tống dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ.
Sau khi thành phần nội các mới được công bố, các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Hollande đã có sự tính toán cẩn thận và khôn khéo khi tập hợp đại diện của các đảng phái khác nhau nhằm tạo sự đoàn kết và ủng hộ cao cho bất kỳ quyết sách nào được đưa ra.
Ngay từ bây giờ, chính phủ mới sẽ phải bắt tay vào việc để giải quyết những vấn đề đối nội và đối ngoại. Nhiệm vụ quan trọng sắp tới của Thủ tướng Ayrault và chính phủ là vận động tranh cử Quốc hội. Nếu đảng Xã hội và đồng minh cánh tả giành được đa số trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 6 thì Tổng thống Hollande sẽ có nhiều thuận lợi để thực hiện các cam kết của mình.
Sau khi nhận chức, Bộ trưởng Lao động Michel Sapin cho biết thách thức lớn nhất đối với ông là làm thế nào để giảm tỉ lệ thất nghiệp, hiện đã lên tới khoảng 10% và điều chỉnh luật lao động và nghỉ hưu. Trước đó, Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy đã thông qua một đạo luật, tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 và vấp phải sự phán đối kịch liệt của các công đoàn.
Ông Sapin nói: ‟Chúng tôi phải hành động ngay để loại bỏ sự bất công do chính phủ tiền nhiệm tạo ra. Mục tiêu sắp tới của chúng tôi là bảo đảm sự ổn định trong hệ thống phúc lợi xã hội để người về hưu có cuộc sống dễ chịu″.
Về mặt đối ngoại, Bộ trưởng Ngoại giao Laurent Fabius sẽ có nhiều việc phải làm, trước tiên là việc thực hiện chủ trương của ông Hollande rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm nay, sớm hơn cam kết với NATO cho tới 2013. Ngoài ra còn có các vấn đề quốc tế quan trọng khác liên quan đến Châu Âu, Syria và chương trình hạt nhân của Iran. Chính vì vậy ông Hollande đã lựa chọn ông Fabius làm Ngoại trưởng vì đây là một chính trị gia có nhiều kinh nghiệm, từng giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ Pháp.
Theo: nhandan.com.vn