Sau 37 năm sống trên đất Mỹ, cộng đồng người Việt đã tạo dựng được cả một vùng, một khu vực riêng biệt mà phần lớn người Việt tập quần sinh sống như tại quận Cam (bang California). Cũng nơi đây, chợ được hình thành khá sớm. Xuất phát từ một hai chợ chuyên bày bán các món ăn kiểu Việt Nam thì hiện nay, chỉ riêng quận Cam có đến hàng chục cái chợ, bang California có hàng trăm cái và hàng ngàn cái khắp nơi trên xứ Mỹ. Có ý kiến cho rằng cứ ở đâu có cộng đồng người Việt sinh sống ở đó chắc chắn mọc lên chợ Việt mang tên Việt ngay trên đất Mỹ.
Ông Phước Trương (năm nay 62 tuổi, cư ngụ tại Los Angeles), cho biết: "Vào những năm 1979 đến năm 1985, lúc đó tôi thèm được ăn những món ăn kiểu Việt Nam quá nhưng không biết mua ở đâu vì chợ Mỹ chỉ bán toàn những món kiểu Mỹ, kiểu Tây. Đôi khi ao ước có được một chai nước mắm! Tiếp đó tôi tìm ra một số chợ Tàu có bán nước tương, đậu hủ... Sau nữa, khi cộng đồng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, giao thương hàng hóa giữa các nước mở rộng cho đến những năm thuộc thập niên 1990, hàng hóa Việt Nam bắt đầu hiện diện ở thị trường Mỹ nhưng số lượng không nhiều lắm. Còn bây giờ quá tốt rồi, bất cứ thức ăn gì ở Việt Nam có thì ở đây cũng có. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, phần lớn những gia đình gốc Việt ở miền Nam Cali hay tìm xuống phố Bolsa để ăn uống, đi tham dự tiệc tùng, họp mặt hội đoàn và mua sắm ở các ngôi chợ Việt Nam. Cũng những ngày này, khu phố Bolsa trông nhộn nhịp hẳn lên, người xe tấp nập, các ngôi chợ chật kín xe lẫn người. Có thể nói, đó là nét văn hóa sinh hoạt giữ được cái hồn của người Việt ở đất Mỹ. Người Việt dù sống xa xứ nhưng vẫn còn giữ nếp sinh hoạt, ăn uống và nấu nướng thức ăn theo truyền thống của ông bà mình để lại!”. Chỉ riêng quận Cam đã có trên 20 ngôi chợ Việt lớn nhỏ mang những cái tên hết sức thuần Việt như chợ Á Đông, chợ Hòa Bình, chợ Lớn, chợ Bến Thành, chợ Thuận Phát.... bày bán đủ những mặt hàng mà người Việt Nam nói riêng hay người châu Á nói chung ưa chuộng.
Phần lớn các ngôi chợ Việt Nam ở quận Cam mở cửa suốt 7 ngày trong tuần, thông thường từ 8 hoặc 9 giờ sáng đến 20 hay 23 giờ tối tùy theo quy định của từng chợ. Bước vào một ngôi chợ Việt Nam, khách hàng có thể tìm thấy đủ mọi thứ từ thực phẩm, đồ gia dụng, nước uống cho đến vàng, bạc, nhang, đèn, hoa, cau trầu hoặc chày cối, chổi, xà phòng, các loại rau tươi, hoa quả, thịt cá, các loại gia vị cho đến các món ăn làm sẵn, nghĩa là đầy đủ các mặt hàng giống như bất cứ các ngôi chợ nào khác tại quê nhà Việt Nam. Rau tươi thường được các chủ trang trại người Việt trồng trong vùng cung cấp hằng ngày cho các chợ. Hầu như không thiếu bất cứ loại rau tươi nào mà người Việt hay sử dụng hằng ngày. Từ rau xà lách, tần ô, muống, cải xoong, dền, cải nồi, giá đỗ, cà chua, dưa leo, chanh, ớt, tỏi cho đến các loại rau ăn kèm với phở, mì quảng hay món bún bò... như ngò gai, răm, thơm, dấp cá, bạc hà, bắp chuối, húng, muống bào, khế, chuối xanh...
Nhắc đến chợ Việt ở quận Cam trước hết phải kể đến chợ Người Việt. Chợ Người Việt tọa lạc ngay góc đường Westminster và Euclid từ hơn 10 năm qua. Khi được hỏi vì sao lại đặt tên "Người Việt” cho ngôi chợ, chị Hoa Trần - chủ chợ, trả lời khá đơn giản: "Vì chúng ta đều là người Việt mà, mục tiêu chính vẫn là phục vụ cộng đồng người Việt Nam trên xứ người”. Cũng giống như các ngôi chợ khác của người Việt tại quận Cam, chợ Người Việt bày bán đầy đủ các loại sản phẩm từ thịt cá, đồ khô, đồ gia vị đến hàng rau, quả, củ... Tương tự, chợ Hòa Bình ở Garden Grove cũng hình thành tại quận Cam từ năm 2008, có bán rất nhiều loại mắm khác nhau (mắm ba miền) với phẩm chất cao, rất ngon và sạch sẽ như mắm lóc, mắm cá linh, mắm cá sặc, mắm cá thu, mắm ruốc...
Theo: daidoanket.vn