Trong khi Mỹ đang điều chỉnh chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực này. Phát biểu tại một hội thảo ở Oa-sinh-tơn về sứ mệnh của NATO tại Áp-ga-ni-xtan và Li-bi ngày 15-5, ông Xti-phen Phla-na-gan (Stephen Flanagan), chuyên gia quốc phòng và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ, cho biết NATO đã thừa nhận môi trường toàn cầu đang trở nên "phức tạp hơn" với nhiều mối đe dọa hơn đối với NATO bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở nào cho thấy NATO sẽ "đặt trọng tâm" vào châu Á hoặc sẽ có một sự can dự mới tại khu vực Viễn Đông.
Binh sĩ thuộc Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO đứng đầu ở Áp-ga-ni-xtan. Ảnh: wordpress.com |
Chuyên gia trên nhận định, mặc dù các đồng minh châu Âu không ủng hộ việc NATO mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu, song cũng thừa nhận rằng để "bảo vệ an ninh của khối, liên minh này có thể phải triển khai các hoạt động bên ngoài khu vực Bắc Đại Tây Dương trong một số trường hợp". Ngoài ra, ông Phla-na-gan cũng lưu ý rằng, một số quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương đã và đang có những đóng góp cho sứ mệnh của NATO ở Áp-ga-ni-xtan và liên minh này cũng đang hợp tác với các nước châu Á - Thái Bình Dương trong một số lĩnh vực như ngăn chặn nạn cướp biển và bảo đảm an ninh hàng hải.
Quả thực, NATO đã có những bước đi vượt ra ngoài không gian chiến lược được xác định khi tổ chức này ra đời, như mở chiến dịch quân sự ở Li-bi, một nước châu Phi. Tuy nhiên, việc nuôi mộng "NATO toàn cầu" cũng không đơn giản với trở ngại đầu tiên là vấn đề tài chính. Chính sách thắt lưng buộc bụng của châu Âu khiến ngân sách quốc phòng của các thành viên NATO ở khu vực này ở mức rất tiết kiệm. Vào thời điểm chiến tranh Lạnh kết thúc, các thành viên châu Âu chịu trách nhiệm đóng góp 34% chi tiêu quốc phòng của NATO. Hiện nay, con số này đã tụt xuống chỉ còn 21%. Ngoài Mỹ, chỉ có 4 thành viên khác trong tổng số 28 thành viên của khối đạt tỷ lệ chi tiêu quốc phòng 2% GDP, đó là Anh, Pháp, Hy Lạp và An-ba-ni. Trong khi đó, Chiến lược Quốc phòng công bố tháng 1 vừa qua của Mỹ nêu rõ, Liên minh châu Âu (EU) nên chủ động trong vấn đề an ninh hơn là trông chờ các bảo đảm của Oa-sinh-tơn; đồng thời khẳng định, 1/4 lực lượng Mỹ đang duy trì tại Ðức sẽ sớm rút về nước.
Dự kiến, lãnh đạo 28 nước sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 25 diễn ra trong hai ngày 20 và 21-5 tại Chi-ca-gô (Mỹ). Vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Hội nghị Chi-ca-gô chắc chắn là Áp-ga-ni-xtan, nơi NATO đã quyết định rút các lực lượng chiến đấu vào năm 2014. Bên cạnh đó, các chủ đề như quan hệ NATO-Nga, thảo luận khái niệm “phòng thủ thông minh” cũng sẽ được đề cập đến tại hội nghị này.
Theo: qdnd.vn