Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Chi-ca-gô trong hai ngày 20 và 21-5 đã khép lại với những cam kết chung chung về tương lai của Áp-ga-ni-xtan sau khi NATO rút quân khỏi quốc gia này. Sự bế tắc trong vấn đề Áp-ga-ni-xtan cũng cho thấy liên minh quân sự lớn nhất thế giới đang “lúng túng” trong việc “nuôi dưỡng và thực hiện” giấc mơ toàn cầu của mình.
Cho đến thời điểm này, chiến dịch tại Áp-ga-ni-xtan là hoạt động can thiệp quân sự giàu tham vọng nhất trong lịch sử 63 năm của NATO, đồng thời cũng được xem là một điển hình cho sự gắn kết của liên minh quân sự này. “Cùng đến và cùng đi” - người đứng đầu NATO, Tổng thư ký An-đớt Phốc Ra-xmút-xen (Anders Fogh Rasmussen) đã tuyên bố như vậy khi thông báo kế hoạch rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, mong muốn tiếp tục gắn kết này giờ đây đang bị đe dọa khi một số nước thành viên NATO đánh tiếng “sẽ rút quân sớm” vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề về ngân sách và làn sóng phản chiến trong nước gia tăng. Tại Hội nghị Chi-ca-gô, tân Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ (F.Hollande) đã nổ phát súng đầu tiên khi công bố quyết định rút lực lượng chiến đấu của Pháp khỏi Áp-ga-ni-xtan trước cuối năm nay thay vì năm 2014.
Các nhà lãnh đạo NATO chụp ảnh chung trong phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 25 tại Chicago. (Nguồn: Getty Images). |
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO đã cam kết ủng hộ lộ trình rút binh lính NATO khỏi Áp-ga-ni-xtan đúng kế hoạch vào cuối năm 2014, và sau năm 2014 vẫn tiếp tục hỗ trợ nhiều mặt cho chính phủ và người dân Áp-ga-ni-xtan. Để thực hiện lộ trình đó, NATO sẽ huấn luyện các lực lượng quân đội và cảnh sát Áp-ga-ni-xtan đủ để tiếp quản trách nhiệm bảo đảm an ninh sau khi NATO rút quân. Đồng thời NATO mong muốn việc rút quân này phải chuyển tải được thông điệp, rằng sứ mạng của NATO tại Áp-ga-ni-xtan suốt hơn một thập kỷ qua là một thành công, dù phải chịu nhiều tổn thất.
Mong muốn là vậy, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đó hoàn toàn không phải là giấc mơ dễ thực hiện, nhất là khi các nước NATO phải đối mặt với đủ thứ khó khăn và sự trỗi dậy của Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan. Hội nghị tại Chi-ca-gô đã cho thấy, chuyện hỗ trợ tài chính cho Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014 vẫn chưa hoàn toàn được bảo đảm. Tổng thống Ô-ba-ma đã kêu gọi các đồng minh NATO và các đối tác của NATO tại Áp-ga-ni-xtan đóng góp khoảng 1,3 tỷ USD vào quỹ hỗ trợ trị giá 4 tỷ USD mỗi năm cho Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014. Nhưng chuyện chia “tỷ lệ trách nhiệm đóng góp” sẽ trở nên nan giải khi “cơn bão nợ” kéo dài hai năm qua vẫn hoành hành nhiều quốc gia thành viên NATO. Trong khi đó, dù từ xưa đến nay Mỹ vẫn luôn đảm nhận “phần chi lớn nhất”, nhưng trong bối cảnh thâm hụt ngân sách đến mức kỷ lục, thất nghiệp tăng cao, liệu người dân Mỹ có cảm thấy thoải mái khi ném “qua cửa sổ” một số tiền lên đến 2 tỷ USD mỗi năm trong khi chưa biết được hiệu quả thế nào? Ngoài ra, không ai có thể khẳng định 4 tỷ USD đủ để “trang trải” cho Áp-ga-ni-xtan trong vòng 1 năm. Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ca-dai (Karzai) có mặt tại Hội nghị đã nói ông không nghĩ rằng 4 tỷ USD sẽ đủ chi. Trong một lần bội chi gần nhất, nước Mỹ đã chi khoảng 100 tỷ USD một năm để duy trì một lực lượng 100.000 quân của họ. Rõ ràng, việc Hội nghị quyết định giảm lực lượng an ninh của Áp-ga-ni-xtan dự kiến tới 350.000 người xuống còn 200.000 người vào năm 2018 đã phần nào cho thấy gánh nặng tài chính mà NATO đang không tài nào kham nổi.
Mặt khác, những kết quả hứa hẹn đạt được ở Áp-ga-ni-xtan vẫn chưa rõ ràng. Thực tế cho thấy, dù binh lính NATO vẫn đi tuần đều đặn trên các đường phố ở thủ đô Ca-bun hay thành phố Can-đa-ha thì bom nổ cũng không ít hơn, các vụ bạo lực vẫn xảy ra, Ta-li-ban vẫn tấn công đều. Trong khi đó, tình hình kinh tế Áp-ga-ni-xtan vẫn trì trệ, người dân vẫn chưa cảm nhận cuộc sống của họ được cải thiện hoặc an toàn hơn như họ từng được hứa cách đây 11 năm, thậm chí còn tồi tệ hơn khi phải nhận những cái chết do bom rơi đạn lạc. Bên cạnh đó, chiến lược cho thời kỳ hậu chiến vẫn chưa được thông qua và nhiều khía cạnh pháp lý vẫn chưa được xử lý ổn thỏa. Ngần ấy thứ cho thấy, tham vọng của NATO ở Áp-ga-ni-xtan vẫn chưa đạt được, thậm chí còn rơi vào bế tắc.
Tại Hội nghị ở Chi-ca-gô, Tổng thống Ô-ba-ma đã “hô hào” thực thi những hứa hẹn đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh cách đây 2 năm ở Li-xbon (Bồ Đào Nha). Đó là Khái niệm Chiến lược mới, vốn được cho là bước khởi đầu cho tham vọng “NATO toàn cầu”. Nhưng ngay cả khi lời hô hào của ông Ô-ba-ma được các đồng minh hưởng ứng (trên danh nghĩa), thì tham vọng ấy đang có nguy cơ chết yểu bởi hàng loạt vấn đề, mà sự bế tắc đối với Áp-ga-ni-xtan chính là một điển hình.
Bên cạnh đó, những bất đồng ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng khiến cho tham vọng của NATO ngày càng tàn lụi. Một thực tế không thể phủ nhận là hầu hết các đồng minh châu Âu đang ngày càng tỏ ra miễn cưỡng trong vấn đề chi tiêu quốc phòng và cam kết gửi quân tham gia các sứ mệnh nguy hiểm ở nước ngoài. Đó là chưa nói đến việc “chia lợi ích, chia nguy cơ và chia trách nhiệm” trong một tổ chức có sự chênh lệch lớn về tiềm lực kinh tế, quân sự - quả thực đều khó. Và nữa, một loạt thành viên NATO ở châu Âu đang rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, thâm thủng ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài và thất nghiệp, thì việc chi phí quốc phòng của họ càng không phải cứ muốn là được.
NATO đang trong tình thế khó khăn về nhiều phương diện. Tờ Thời báo Niu Y-oóc trong bài bình luận số ra ngày 20-5 đã cho rằng, tổ chức này nên xác định vai trò và nhiệm vụ của mình một cách rõ ràng hơn là chỉ tổ chức những hội nghị thượng đỉnh với các cam kết chung chung. Có như thế, NATO mới có thể tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ về một “đội quân toàn cầu” trong tương lai. Còn nếu không, Hội nghị Chi-ca-gô hay những hội nghị sau này nữa, cũng rất có thể chỉ là màn trình diễn của những cam kết.
Theo: qdnd.vn