Nhà Trắng ngày 14-5 cho biết, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma (Obama) sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Vla-đi-vô-xtốc, Nga vào tháng 9 tới. Thông tin này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi phía Nga chính thức xác nhận thông tin Tổng thống Nga Pu-tin (Putin) sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh G-8 tổ chức tại Mỹ tới đây, khiến dư luận được phen đồn thổi rằng, Mỹ đang “trả đũa” Nga.
Ông Pu-tin và ông Ô-ba-ma. Ảnh: AP |
Tờ Thời báo Mát-xcơ-va dẫn lời Người phát ngôn Nhà trắng Giay Ca-nây (Jay Carney) cho biết, việc Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma không dự APEC hoàn toàn vì lý do nội bộ, không liên quan đến việc Tổng thống Nga không dự G8. Theo ông Ca-nây, phía Mỹ thông báo với điện Crem-li về việc Tổng thống Mỹ không thể dự hội nghị này với lý do phải tham dự Đại hội đảng Dân chủ ở Bắc Ca-rô-lai-na, nơi ông Ô-ba-ma sẽ chính thức nhận đề cử để ra tái tranh cử Tổng thống vào tháng 11.
Dư luận đang râm ran đồn thổi rằng, đó là cách “trả đũa” tế nhị của Tổng thống Ô-ba-ma đối với người đồng cấp Nga. Để dập tan điều tiếng, ông Giay Ca-nây đã ngay lập tức đăng đàn nhấn mạnh, phía Nga hiểu rõ quyết định của Tổng thống Ô-ba-ma và cảm thông cho những khó khăn vào thời điểm chiến dịch vận động tái tranh cử của ông ở thời kỳ cao điểm. Thế vẫn chưa đủ, ông Giay Ca-nây còn dẫn lại lời quan chức cấp cao của Nga phụ trách APEC Ghê-nát-đi Ô-vếch-cô (Gennady Ovechko) xác nhận việc này. Quả thật, trả lời tờ Thời báo Mát-xcơ-va, ông Ghê-nát-đi cho biết, Mát-xcơ-va nghe nói cách đây một năm rằng, ông Ô-ba-ma sẽ không tham dự hội nghị APEC ở Vla-đi-vô-xtốc vì thời gian biểu chính trị tại Mỹ”. “Chúng tôi sẽ rất vui nếu Tổng thống Mỹ có thể đến Vla-đi-vô-xtốc dù chúng tôi thừa nhận rằng, có thể có một số tình huống quan trọng trong nước có thể ngăn ông ấy tham dự”, ông Ghê-nát-đi nói. Cả Nga và Mỹ đều lưu ý rằng, cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Ô-ba-ma và Tổng thống Pu-tin kể từ khi ông Pu-tin lên nắm giữ cương vị Tổng thống vẫn sẽ diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tổ chức tại Mê-hi-cô vào tháng 6 tới.
Dẫu vậy, giới phân tích nhận định, đây là cách hành xử “có đi có lại” trong mối quan hệ song phương Nga - Mỹ. Hơn nữa, việc Tổng thống Nga không dự hội nghị thượng đỉnh G8 và Tổng thống Mỹ không dự hội nghị cấp cao APEC không chỉ ảnh hưởng đến thành công của hai hội nghị quan trọng này mà còn cho thấy, triển vọng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ thời gian tới còn nhiều khó khăn trở ngại.
Trong hai nhiệm kỳ tổng thống trước của ông Pu-tin, quan hệ Nga - Mỹ đã không ít lần "nổi sóng". Năm 2009, khi Mỹ bên trong vấp phải cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ, bên ngoài gặp khó khăn trong cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, Tổng thống Ô-ba-ma đã đề nghị tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga và được Tổng thống Nga lúc bấy giờ là Mét-vê-đép (Medvedev) hưởng ứng, nhờ thế quan hệ hai nước bắt đầu ấm lên.
Tuy nhiên, về thực chất quan hệ này vẫn tương đối lạnh nhạt. Mỹ chỉ tiến hành một số điều chỉnh về mặt sách lược trong quan hệ với Nga mà chưa có những thay đổi căn bản về mặt chiến lược. Hai nước chưa xây dựng được lòng tin thực sự, đặc biệt vẫn tồn tại những bất đồng nghiêm trọng trong cách giải quyết các vấn đề ở Trung Đông, cũng như việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Trên thực tế, ngay cả giới hoạch định chính sách Mỹ cũng chia rẽ trong việc khởi động quan hệ với Nga. Một số nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng, Nga "lợi dụng" việc khởi động quan hệ Nga - Mỹ để từng bước khôi phục và củng cố vị thế địa chính trị của Liên Xô trước đây ở mức độ nhất định, làm giảm ảnh hưởng chiến lược của Mỹ. Nếu Nga một lần nữa giành địa vị chi phối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này sẽ trực tiếp uy hiếp đến khả năng chi phối toàn cầu của Mỹ, sẽ khiến Mỹ và Nga một lần nữa trở lại thế đối đầu.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 4-3, ông Pu-tin đã công bố kế hoạch xây dựng liên minh Âu - Á, đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia thuộc Liên bang Xô-viết trước đây. Đây chính là mối lo lắng của người Mỹ. Mỹ bắt đầu công khai ủng hộ các hoạt động biểu tình chống ông Pu-tin của phe đối lập ở Nga, trong khi đó, trong nước Nga cũng bắt đầu xuất hiện trào lưu mới chống Mỹ và như vậy khởi động quan hệ Nga - Mỹ đang bị bao phủ một lớp mây đen. Trong văn kiện về chính sách ngoại giao của Nga có tiêu đề “Nga và một thế giới đầy biến động” được Tổng thống Pu-tin đưa ra hồi tháng 2, đề cập đến quan hệ Nga - Mỹ, ông Pu-tin cho rằng, mặc dù hai bên đã có nhiều nỗ lực để cải thiện quan hệ song phương, song mối quan hệ này chưa có những thay đổi cơ bản và vẫn tồn tại nhiều trở ngại.
Kể từ thời điểm năm 2009, khi Nga và Mỹ cùng nhấn nút “tái khởi động”, chính thức đánh dấu chặng đường mới trong quan hệ Nga - Mỹ, đến nay, không ít lần các nhà quan sát quốc tế đã phải đặt câu hỏi “Tiến trình này đang đi về đâu?”. Và cũng bấy nhiêu lần không ít nhà bình luận quốc tế tỏ ý quan ngại ý chí của giới lãnh đạo hai nước “làm tan băng” mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ mãi mãi chỉ dừng lại ở hai từ “ý chí”.
Theo: qdnd.vn