Giúp các nước nghèo ở châu Phi bảo đảm an ninh lương thực là một trong những nội dung chính của Hội nghị cấp cao G-8. |
Các nhà lãnh đạo châu Âu đến dự Hội nghị G-8 lần này với những "gương mặt mới" như Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ, Thủ tướng I-ta-li-a M.Môn-ti... Tuy nhiên, sẽ khó có ý tưởng mới hay "luồng gió mới" nào được "thổi" vào G-8, trong bối cảnh tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đã giảm liên tiếp trong hai quý gần đây, dấu hiệu cho thấy khu vực này đang trượt vào đợt suy thoái mới sau "cơn đại hồng thủy" năm 2008. Bên cạnh đó, châu Âu cũng đang đứng trước những thách thức lớn về các vấn đề xã hội, cũng như đường hướng chống khủng hoảng. Chính sách kinh tế khắc khổ đã không mang lại hiệu quả tại châu lục này và bị người dân tẩy chay dữ dội, kéo theo hàng loạt chính phủ "ngã ngựa".
Theo các nhà phân tích, hội nghị lần này sẽ là cơ hội tốt để Mỹ, Pháp, I-ta-li-a và Anh kêu gọi Ðức, nước đề xuất "thắt lưng buộc bụng", cần linh hoạt hơn trong các biện pháp chống khủng hoảng và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sẽ khó có bất ngờ về khả năng Ðức thay đổi lập trường hoặc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thay đổi giải pháp chống khủng hoảng nợ công. Vì thế, dự báo như những hội nghị trước đây, chẳng có chiếc "phao cứu sinh" tài chính nào được "chìa ra" cho châu Âu, bởi chính những "người anh em" của các nước châu Âu trong "mái nhà chung G-8" cũng đang lâm vào cảnh khó khăn và thiếu nguồn lực tài chính. Thời gian vừa qua, những hy vọng về sự giúp đỡ của Mỹ với châu Âu đã tiêu tan khi Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma không thể đưa ra cam kết "bơm" tiền để giúp châu Âu, với lý do không mấy thuyết phục là "châu Âu có thể tự giải quyết được vấn đề của mình". Các nhà phân tích nhận định, khả năng tái đắc cử tổng thống của ông Ô-ba-ma sẽ trở nên mong manh, nếu châu Âu không đẩy lùi được khủng hoảng tài chính và nợ công. Bởi kinh tế châu Âu không ổn định sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Mỹ và đó là tín hiệu không tốt đối với ông Ô-ba-ma khi chỉ còn chưa đầy sáu tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Một vấn đề quan trọng khác sẽ được các nhà lãnh đạo G-8 tập trung thảo luận là an ninh lương thực cho châu Phi, trong bối cảnh giá lương thực thế giới gần đây tăng cao làm gia tăng nạn đói tại "lục địa đen". LHQ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp để cứu các nạn nhân của cuộc khủng hoảng nhân đạo ở 11 nước thuộc khu vực Xa-hen của châu Phi, nơi hiện có 15 triệu người không còn lương thực để sống và khoảng một triệu trẻ em có nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng. Theo nhận định của các nhà phân tích, ông Ô-ba-ma muốn tạo "điểm nhấn" đối với vấn đề này, bởi an ninh lương thực đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông. Ðây cũng là lý do ông đã mời bốn nhà lãnh đạo của Bê-nanh, Ê-ti-ô-pi-a, Gha-na và Tan-da-ni-a dự hội nghị G-8 lần này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước thành viên G-8 đang "thiếu lửa" cả về nhiệt huyết lẫn nguồn lực tài chính như hiện nay, "điểm nhấn" an ninh lương thực của ông Ô-ba-ma có thể sẽ rất mờ nhạt, bởi các nước G-8 còn đang phải vật lộn với những vấn đề của chính họ. Hưởng ứng Sáng kiến an ninh lương thực tại cuộc họp G-8 năm 2009 diễn ra ở I-ta-li-a, các nước phát triển từng cam kết dành 22 tỷ USD giúp phát triển nông nghiệp dài hạn trên toàn cầu và giúp bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng đến nay, tỷ lệ giải ngân các dự án mới đạt chưa đầy 30%. Vì vậy, dự báo châu Phi khó hy vọng nhận được cam kết và sự giúp đỡ mạnh mẽ trong vấn đề an ninh lương thực tại Hội nghị cấp cao G-8 lần này. Có lẽ, đây chính là lý do mà các chuyên gia đưa ra nhận định rằng, hội nghị cấp cao này "là một sự kiện để bàn thảo hơn là đưa ra hành động".
Một vấn đề khiến dư luận quan tâm là trước thềm Hội nghị cấp cao G-8, Tổng thống Nga V.Pu-tin từ chối đến Mỹ tham dự cuộc họp, bởi ông cần dành thời gian kiện toàn bộ máy chính phủ mới. Ðáp trả, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ không dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Nga vào tháng 9 tới vì lý do chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống. Mặc dù cả Mỹ và Nga đều phủ nhận sự vắng mặt của nguyên thủ nước mình không phải là hành động "ăn miếng trả miếng", song việc người đứng đầu nước Nga không có mặt tại Hội nghị cấp cao G-8 khó có thể xua tan được những nghi ngờ về sự bất đồng Nga-Mỹ. Bên cạnh đó, sự vắng mặt của ông Pu-tin còn phần nào cho thấy một thực tế là khi G-8 thiếu nguồn lực, chỉ có thể "nói nhiều" và "làm ít", thì diễn đàn của khối này không còn quá quan trọng với ngay cả các nước thành viên.
Theo: nhandan.com.vn