Châu Âu trước bài toán cân bằng tăng trưởng

07:05, 15/05/2012
Sau thất bại của các lực lượng cầm quyền đương nhiệm ở Pháp, Hy Lạp, đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng A.Méc-ken đứng đầu liên minh cầm quyền ở Ðức cũng thất bại trong cuộc bầu cử địa phương. Sự phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đang đặt ra yêu cầu đối với chính phủ các nước châu Âu thực hiện chính sách cân bằng hơn giữa cắt giảm chi tiêu và tăng trưởng kinh tế.
Biểu tình phản đối chính sách "thắt lưng, buộc bụng" ở Tây Ban Nha.
Biểu tình phản đối chính sách "thắt lưng, buộc bụng" ở Tây Ban Nha.

Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử nghị viện bang Bắc Ranh Ve-xpha-li-a, đảng Xã hội Dân chủ (SPD) cánh tả đối lập đã giành chiến thắng với 39% số phiếu ủng hộ, so với 26% của CDU. Với kết quả này, SPD có quyền liên minh với một số đảng khác để nắm quyền lãnh đạo bang này. Ðây được coi là thất bại không nhỏ của CDU và Thủ tướng Méc-ken. Bởi với 18 triệu người, Bắc Ranh Ve-xpha-li-a là bang đông dân nhất nước Ðức, giữ vai trò quan trọng trong chính trường và là khu kinh tế lớn của nước này. Năm 2005, việc để mất tín nhiệm tại bang này là nguyên nhân chính khiến cựu Thủ tướng G.Sruê-đơ phải tiến hành bầu cử trước thời hạn, dẫn tới thất bại trước bà Méc-ken.

Tại cuộc bầu cử ở bang Slê-vích Hôn-xtai trước đó một tuần, CDU cũng không giành chiến thắng trước SPD và đành chấp nhận chia ghế với SPD trong nghị viện bang. Ðây là những kết quả không mấy khả quan với CDU và Thủ tướng Méc-ken, trong bối cảnh cuộc bầu cử QH liên bang ở Ðức sắp diễn ra. Giới phân tích nhận định, việc nhiều cử tri "quay lưng" với liên minh cầm quyền thể hiện thái độ không đồng tình với chính sách "thắt lưng, buộc bụng" của bà Méc-ken để đối phó cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Họ cho rằng, chính sách này đã làm nền kinh tế số một châu Âu rơi vào trì trệ, khiến lương và các chế độ phúc lợi hưu trí, y tế, xã hội bị cắt giảm, đời sống của người lao động thêm khó khăn.

Không chỉ ở Ðức, làn sóng biểu tình phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ đang lan rộng nhiều nước châu Âu. Tại Tây Ban Nha, hàng trăm nghìn người tham gia biểu tình ở 80 thành phố và thị trấn, thể hiện sự bất bình trước tình trạng kinh tế suy thoái và sự điều hành không hiệu quả của chính phủ. Người biểu tình giương cao các khẩu hiệu đòi Thủ tướng M.Ra-hoi chấm dứt chính sách "thắt lưng, buộc bụng". Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), đã chính thức rơi vào suy thoái sau hai quý liên tiếp tăng trưởng âm (quý IV-2011 và quý I-2012). Ðây là đợt suy thoái thứ hai của kinh tế Tây Ban Nha kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s đã hạ bậc xếp hạng của nền kinh tế và hàng loạt ngân hàng Tây Ban Nha, kèm theo những đánh giá không khả quan về triển vọng phục hồi. Ngân sách chi cho một loạt lĩnh vực như đối ngoại, viện trợ nước ngoài, y tế, giáo dục, quân sự, cơ sở hạ tầng... đều bị cắt giảm, nhằm mục tiêu cắt giảm 27 tỷ ơ-rô trong nỗ lực ngăn chặn cơn bão nợ công đe dọa tràn vào nước này. Tuy nhiên, biện pháp "thắt lưng, buộc bụng" lại là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha tăng lên mức kỷ lục 23% và tỷ lệ này lên tới 52% trong giới trẻ.

Làn sóng biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ cũng bùng lên mạnh mẽ ở Hy Lạp, Anh và Bỉ. Người biểu tình Hy Lạp kêu gọi các chính đảng tìm lối thoát cho tiến trình thành lập chính phủ, nhằm chung sức đối phó cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành ở nước này. Các chuyên gia kinh tế Hy Lạp cảnh báo ngân sách A-ten sẽ cạn kiệt trong vòng sáu tuần tới, nếu không nhận được khoản cứu trợ mới của Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Song các chính đảng ủng hộ gói cứu trợ tài chính quốc tế lại thất bại trong cuộc bầu cử QH trước thời hạn đầu tháng 5 ở Hy Lạp.

Các cuộc bầu cử ở Pháp, Ðức, Hy Lạp và làn sóng biểu tình ở nhiều nước thể hiện sự không hài lòng của người dân châu Âu trước chính sách "thắt lưng, buộc bụng". Cao ủy phụ trách kinh tế và chính sách tiền tệ của EU O.Rên và Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) M.Ðra-ghi kêu gọi các nước thành viên thực thi hài hòa giữa cắt giảm nợ công, cải cách cơ cấu và tăng trưởng kinh tế. Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh, chính sách kinh tế khắc khổ vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt trong nỗ lực đối phó cơn bão nợ công châu Âu.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com