Một cảng biển của APM Terminals ở khu vực Tây Phi. |
Nếu mười năm trước đây, Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh từng nhận định, châu Phi là "lục địa vô vọng", thì ngày nay, sau mười năm châu lục này thực hiện chương trình "Ðối tác mới vì sự phát triển châu Phi (NEPAD)", chính tạp chí này đã ca ngợi "châu Phi đang trỗi dậy". Còn Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Phi Ð.Ca-bê-ru-ca nhận định, "lục địa đen" đã trải qua một thập kỷ tốt nhất trong 50 năm qua. Từ một châu lục được xem là luôn gắn với nghèo đói và bệnh tật, châu Phi trở thành "ngôi nhà" của sáu trong mười nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Phó Tổng Thư ký LHQ, đồng thời là Thư ký chấp hành Ủy ban LHQ về kinh tế châu Phi (UNECA) A.Gian-nét dự báo, đến năm 2050, kinh tế châu Phi sẽ trở thành một cực tăng trưởng toàn cầu nhờ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 5%/năm trong suốt thập kỷ qua. Từ vị trí khu vực tăng trưởng chậm thứ hai thế giới, châu Phi đã trở thành châu lục có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai thế giới. Những dự báo lạc quan về kinh tế châu Phi bắt nguồn từ triển vọng tăng trưởng dài hạn của châu lục, với dự báo sức mua của tầng lớp trung lưu sẽ lên tới 2.200 tỷ USD vào năm 2030. Khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục là động lực quyết định tăng trưởng kinh tế châu lục trong bốn thập kỷ tới.
Trong thập kỷ qua, NEPAD đã đóng vai trò then chốt thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh chóng của Lục địa đen thông qua ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, quản trị, xã hội, nguồn nhân lực, đô thị hóa, dân số, môi trường, an ninh lương thực, khoa học công nghệ... Nhiều nước châu Phi đã thành công trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) 2015. Tuy nhiên, tiến bộ đạt được không đồng đều giữa các quốc gia trong châu lục và các MDG. LHQ và Liên minh châu Phi (AU) cho rằng, dù khó đạt các MDG đúng hạn vào năm 2015, song các nước châu Phi cần mở rộng tầm nhìn phát triển sau mốc thời gian này, với sự tham vấn thích hợp và kịp thời của tất cả các đối tác. Theo các chuyên gia, các nước châu Phi phải giữ vai trò quyết đoán hơn trong định hình chương trình phát triển sau MDG 2015 để hình thành tầm nhìn và chiến lược chung. Các chính sách này cần tập trung vào những lĩnh vực then chốt, như đào tạo đội ngũ lãnh đạo, huy động nguồn lực trong nước, tạo việc làm cho phụ nữ và thanh niên, nâng cao năng lực quốc gia...
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan, nền kinh tế châu Phi dễ bị tổn thương trước các "cú sốc" bên ngoài, bởi cấu trúc của nền kinh tế châu Phi chuyển đổi chưa đủ nhanh. Châu lục này cần tạo những bước đệm vững chắc để tránh các cú sốc từ bên ngoài, giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên khoáng sản, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, châu Phi còn nhiều việc phải làm, nhất là tìm ra những hạn chế và thách thức trong quá trình khơi dậy các tiềm năng phát triển, giải phóng năng lực khu vực kinh tế tư nhân với vai trò then chốt là tạo nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy bình đẳng, hòa bình và an ninh của các quốc gia trong châu lục. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lục địa Ðen không thể giữ vững nhịp độ tăng trưởng cao nếu tăng trưởng không tạo ra nhiều việc làm. Thực tế, hơn 70% dân số ở độ tuổi lao động của châu Phi vẫn thất nghiệp hoặc có việc làm dễ bị tổn thương. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Bắc Phi lên tới 25%, mức cao nhất thế giới. Tuy các nước ở nam sa mạc Xa-ha-ra có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng tình hình việc làm vẫn đáng lo ngại. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh này, các nước châu Phi cần thúc đẩy chiến lược hội nhập các lực lượng lao động thanh niên, đầu tư phát triển các kỹ năng và giáo dục để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy các khu vực kinh tế có tiềm năng tạo việc làm. Các chính sách kinh tế vĩ mô, dự án công trình công cộng, đầu tư nhằm thúc đẩy tạo việc làm là những điều kiện tiên quyết để châu Phi tiếp tục tăng trưởng, đồng thời bảo đảm các thế hệ tương lai chia sẻ thành quả tăng trưởng của châu lục.
Theo: nhandan.com.vn