Bầu cử lịch sử ở đất nước Kim tự tháp - Cuộc đấu giữa các khuynh hướng chính trị

02:05, 25/05/2012

Cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập kéo dài hai ngày 23 và 24-5 đã diễn ra một cách "có trật tự và hòa bình" dưới sự giám sát chặt chẽ của các thẩm phán. Với 12 ứng cử viên tham gia tranh cử, cuộc bầu cử này được đánh giá là có tính cạnh tranh nhất trong lịch sử quốc gia Kim tự tháp này.

Các cử tri Ai Cập xếp hàng để vào một điểm bỏ phiếu ở Cai-rô. Ảnh: AFP
Các cử tri Ai Cập xếp hàng để vào một điểm bỏ phiếu ở Cai-rô. Ảnh: AFP

Khoảng 13.000 điểm bỏ phiếu tại 27 tỉnh bắt đầu mở cửa vào 8 giờ (giờ địa phương) ngày 23-5. Ngay sau giờ mở cửa, hàng nghìn cử tri, trong tổng số khoảng 50 triệu cử tri hợp lệ trong toàn quốc, với tâm trạng "vui vẻ và phấn khích" đã tập trung về các điểm bỏ phiếu để khẳng định sự lựa chọn của họ. Ủy ban tối cao về bầu cử tổng thống đã quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm một giờ, tức là đến 21 giờ, để tạo điều kiện cho nhiều cử tri xếp hàng dài bên ngoài các điểm bỏ phiếu được thực hiện quyền công dân của mình. Trước đó, gần 700.000 cử tri trong số 8 triệu kiều dân Ai Cập đang sinh sống ở nước ngoài đã tiến hành bỏ phiếu từ ngày 11 đến ngày 17-5. Kết quả bầu cử sơ bộ dự kiến sẽ được công bố vào ngày chủ nhật (27-5-2012).

Để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra công bằng và minh bạch, khoảng 14.500 thẩm phán và 65.000 công chức đã được huy động để tham gia giám sát tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Ngoài ra còn có 49 tổ chức dân sự trong nước và 3 tổ chức dân sự nước ngoài, trong đó có "Trung tâm Ca-tơ", một tổ chức xã hội dân sự do cựu Tổng thống Mỹ Gim-mi Ca-tơ (Jimmy Carter) thành lập, cũng được mời tham gia giám sát sự kiện này. Hơn 900 phóng viên nước ngoài đã đăng ký tham gia đưa tin bầu cử tại Ai Cập.

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử, trong số 12 ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống Ai Cập, nổi lên 4 gương mặt sáng giá. Đó là cựu Tổng thư ký Liên đoàn A-rập Am Mu-xa (Amr Moussa), cựu Thủ tướng A-mét Sa-phích (Ahmed Shafiq), cựu thành viên tổ chức "Anh em Hồi giáo" Áp-đen Mô-nem A-bun Phô-tút (Abdel Moneim Abul Fotouh) và Chủ tịch đảng Tự do và công lý (FJP) Mô-ham-mét Mơ-xi (Mohammed Mursi) thuộc tổ chức "Anh em Hồi giáo".

Giới phân tích nhận định, nhiều khả năng sẽ không có ai trong số 12 ứng cử viên của cuộc bầu cử này giành được hơn 50% phiếu bầu để trở thành người đắc cử ngay tại vòng một. Nếu vậy, theo quy định, hai ứng cử viên giành nhiều phiếu nhất sẽ tranh cử ở vòng 2, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới và kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 21-6. Dự đoán, nhiều khả năng ứng cử viên của đảng FJP và tổ chức “Anh em Hồi giáo” sẽ là hai đối thủ ở vòng hai.

Nhưng dù ai giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu này đi chăng nữa, thì cuộc chiến giành quyền lực giữa nhiều thế lực tại Ai Cập cũng chỉ mới bắt đầu. “Cuộc xung đột chính trị sẽ tiếp tục nóng bỏng. Đó không phải là khởi đầu của một nước cộng hòa mới. Thành công của tân Tổng thống sẽ phụ thuộc vào việc làm thế nào ông ta đặt nền tảng cho nước cộng hòa mới này. Tuy nhiên, ông ta sẽ không tìm thấy nó”, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị và chiến lược Al-Ahram, ông Di-a-a Ra-soan (Diaa Rashwan) nhận định đầy bi quan.

Có ý kiến cho rằng, nếu Chủ tịch đảng FJP Mơ-xi giành chiến thắng, điều đó đồng nghĩa với việc chính phủ mới sẽ mang nhiều màu sắc tôn giáo hơn. Còn tổ chức “Anh Em Hồi giáo” cho biết, họ sẽ không bắt chước A-rập Xê-út và không bắt phụ nữ phải đeo mạng hay thực thi các hình phạt hà khắc khác của thế giới Hồi giáo, nhưng tổ chức này lại muốn áp dụng một hình mẫu tương đối của luật Hồi giáo cho Ai Cập.

Trong khi đó, hai ứng cử viên hàng đầu khác, cựu Tổng thư ký Liên đoàn A-rập Am Mu-xa và cựu Thủ tướng Sa-phích cho hay, họ sẽ ngăn chặn sự “Hồi giáo hóa” nếu trúng cử. Cả hai ứng viên này đều là quan chức dưới thời ông Mu-ba-rắc, nên các đối thủ của hai ông này lo ngại rằng, nếu một trong hai ông trúng cử, chế độ mới sẽ không có nhiều thay đổi so với thời Mu-ba-rắc trước đây.

Mặc dù Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) khẳng định, cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập sẽ trở thành hình mẫu về bầu cử tự do và công bằng, thể hiện ý nguyện của người dân và cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho tân tổng thống trước ngày 1-7 tới, song nhiều người dân Ai Cập lo ngại quân đội sẽ tìm cách can thiệp chính trường. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến làn sóng phản đối sự duy trì quyền lực quá lâu của quân đội biến thành các cuộc biểu tình và bạo lực đẫm máu ở Ai Cập trong những tháng qua.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com