Nhận định về thành phần sinh viên theo học tiếng Việt tại các trường thuộc hệ thống Đại học (ĐH) công lập tại Hoa Kỳ, bằng kinh nghiệm suốt 17 năm giảng dạy tại các trường như Santa Ana College, California Fullerton và California Irvine, Tiến sĩ Trần Chấn Trí, giáo sư khoa Ngôn ngữ Nhân văn, Trường ĐH California Irvine cho biết: Mỗi hệ thống giáo dục khác nhau luôn có thành phần sinh viên theo học tiếng Việt khác nhau. Riêng hệ thống ĐH cộng đồng thì số học viên ghi danh học tiếng Việt nhiều nhất.
Tiến sĩ Võ Kim Sơn đã giảng dạy tiếng Việt từ năm 1986 đến nay tại Trường ĐH Coastline Community College nói: "Lớp tiếng Việt đầu tiên mở ra tại trường này khoảng giữa mùa Thu năm 1986. Khi đó tham gia lớp phần lớn là người Mỹ, số học viên người Việt rất ít. Vài năm sau có thêm người Hàn Quốc, người Campuchia... còn hiện nay học viên người Việt là đông nhất. Có những em sinh viên gốc Việt đến học hoặc có những người là bác sĩ đi học lớp tiếng Việt để phục vụ lại người Việt. Có những em sắp sửa đi học ngành y, dược, trong thời gian chờ đi học tại những bang xa, đã tìm đến học tiếng Việt và cho biết đây là cơ hội cuối cùng để các em đi học tiếng Việt...”.
Trường ĐH California Fullerton, một trong những nơi có đông sinh viên theo học lớp tiếng Việt. Ảnh: Internet |
Nhận xét về thành phần sinh viên theo học hệ thống ĐH công lập California State, Tiến sĩ Trần Chấn Trí cho biết: "Số sinh viên theo học tại đây hầu như không có người lớn tuổi nào. Vì ở hệ thống này, đa số sinh viên đi học để lấy bằng cấp, chứ không phải để xin trợ cấp tiền học như tại các ĐH cộng đồng khác. Thường, các em chọn học tiếng Việt ban đầu vì yêu thích và cho rằng thông qua học tiếng Việt, các em mở rộng thêm tầm hiểu biết của mình hơn”.
Với những lớp tiếng Việt thuộc hệ thống UC (University of California), Tiến sĩ Trí nói thêm: "Lên đến hệ thống UC thì số lượng sinh viên học tiếng Việt giảm đi khá nhiều. Lý do đơn giản bởi khi các em học lên hệ thống UC thì bắt buộc phải đóng học phí rất cao, có khi lên tới hàng chục ngàn USD/năm. Hơn nữa, không ít em thích học thêm tiếng Việt song không thể bỏ quá nhiều thời gian cho môn này, bởi còn phải tập trung thời gian cho những môn khác để sớm ra trường. Còn nhớ vào năm 2000 cũng tại ĐH California Irvine, lúc ấy sinh viên theo học tiếng Việt còn rất đông. Năm thứ nhất xây dựng được 3 lớp, mỗi lớp có khoảng 25-30 em. Nhưng những năm sau này chỉ còn 2 lớp và cũng không nhiều học sinh, chỉ chừng mười mấy em. Năm học 2011-2012 này bắt đầu đông trở lại... Nhìn chung số lượng sinh viên ghi tên học tiếng Việt còn thấp và phần nhiều vẫn là người gốc Việt theo học.
Ông Quyên Di, giáo sư khoa Văn hóa & Ngôn ngữ Đông Nam Á tại ĐH California, Los Angeles (UCLA) và ĐH California State Long Beach (CSULB), cho biết 2 trường này là 2 hệ thống hoàn toàn khác nhau. Hệ thống Cal State dạy theo từng mùa học, còn UCLA thì học mỗi năm 3 tháng. Lớp nhập môn tiếng Việt tại UCLA được chia thành 2 lớp, một lớp dành cho các em gốc Việt và lớp còn lại dành cho các em không phải người gốc Việt. Khi học xong, đều nhận bằng chứng chỉ như nhau. Ông Quyên Di nói: Cal State Long Beach là nơi tôi dạy tiếng Việt đã 13 năm và UCLA hơn 10 năm, tôi thấy sinh viên càng ngày càng đông, thậm chí không đủ chỗ ngồi. Như tại ĐH Long Beach không năm nào tôi không yêu cầu được đổi phòng học, vì vào mùa học lên đến 45-50 sinh viên theo học. Còn tại UCLA khóa mùa Thu 2011 vừa qua riêng lớp nhập môn đã có hơn 100 sinh viên ghi danh. Bên cạnh các sinh viên gốc Việt chiếm số đông, số sinh viên khác cũng tương đối khá. Nói tóm lại, nếu so với các ngôn ngữ châu Á khác của trường thì số sinh viên ghi danh học tiếng Việt vẫn không bằng. Nhưng nếu so với các ngôn ngữ Đông Nam Á (Philippines, Thái Lan, Indonesia) thì chương trình tiếng Việt của chúng ta vẫn nhiều nhất./.
Theo: daidoanket.vn