Theo Báo cáo Thịnh vượng năm 2012 được đưa ra bởi Knight Frank và Ngân hàng Citi Private, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. Trong khi đó, vào năm 2020, Mỹ sẽ không còn là nền kinh tế hàng đầu thế giới mà thay vào đó là Trung Quốc.
Báo cáo Thịnh vượng 2012 dự đoán, năm 2050, GDP của Ấn Độ sẽ đạt 85.970 tỷ USD tính theo sức mua, trong khi con số này của Trung Quốc chỉ đạt 80.020 tỷ USD vào cùng thời điểm. Trong giai đoạn 2010-2050, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế tăng nhanh thứ hai thế giới với mức 8% sau Ni-giê-ri-a (8,5%). Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra một báo cáo dự đoán nền kinh tế Ấn Độ sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc so với năm 2011. Đến năm 2050, Mỹ chỉ đứng ở vị trí thứ ba với 30.070 tỷ USD. Dự đoán này là hoàn toàn có cơ sở bởi trong năm 2010, Ấn Độ đã là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới với GDP đạt 3.920 tỷ USD so với 9.980 tỷ USD của Trung Quốc và 14.120 tỷ của Mỹ.
Chợ truyền thống - một hy vọng mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế Ấn Độ. Ảnh: Internet. |
Hai thành phố của Ấn Độ là Xu-rát và Na-pơ cũng sẽ nằm trong nhóm các thành phố có mức tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2050.
Điều đáng ngạc nhiên là các quốc gia đang phát triển như In-đô-nê-xi-a, Ni-giê-ri-a, Mê-hi-cô và Ai Cập cũng sẽ nằm trong tốp các nền kinh tế mạnh nhất. “Rất nhiều nước nghèo đã mở cửa và đạt được sự ổn định chính trị, chất lượng thể chế - những điều kiện cần thiết để tăng trưởng nhanh”, ông Uy-lem Bui-tơ (Willem Buiter), nhà kinh tế hàng đầu của Citigroup nhận định. Giám đốc hãng Ledbury Research tại Luân Đôn J. Lo-xơn (J. Lawson) cũng cho biết, tăng trưởng chủ yếu đến từ các lĩnh vực then chốt như phát triển tài nguyên thiên nhiên, sản xuất và xây dựng.
Báo cáo của Knight Frank và Ngân hàng Citi Private cũng cho biết thêm, vào năm 2050, các nền kinh tế phương Tây sẽ bị thụt lùi, ít nhất là về mặt năng suất. Hiện nay, khu vực gồm Trung Quốc, Đông Nam Á và Nhật Bản cũng có nhiều tỷ phú (với tài sản hơn 100 triệu USD) hơn khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu.
Theo: qdnd.vn