Trong bài phát biểu kéo dài 20 phút trước sự chứng kiến của 5000 người tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm nổ ra cuộc chiến tranh giữa Anh và Ác-hen-ti-na tranh chấp chủ quyền quần đảo Man-vi-nát (mà phía Anh gọi là Phoóc-len) ở thành phố U-shu-ai-a của Ác-hen-ti-na ngày 2-4, Tổng thống Ác-hen-ti-na Cri-xti-na Phéc-nan-đết (Cristina Fernández) đã phê phán Luân Đôn tiếp tục duy trì chế độ thực dân tại quần đảo nằm tại Nam Đại Tây Dương này. Tổng thống Phéc-nan-đết cho biết, thế giới đã bước vào thế kỷ XXI, nhưng Anh vẫn duy trì chế độ thuộc địa đối với 10 trong số 16 vùng trên thế giới, trong đó có Man-vi-nát và đây là điều “vô lý”. Bà Phéc-nan-đết đã kêu gọi Luân Đôn thực hiện đầy đủ các nghị quyết mà hai bên đã ký kết và yêu cầu hai bên đàm phán giải quyết vấn đề chủ quyền quần đảo này.
Để tưởng nhớ những binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc chiến nhằm giành lại Man-vi-nát cách đây 30 năm, ngoài buổi lễ chính vào ngày 2-4, Ác-hen-ti-na còn tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức họp mặt các cựu binh từng tham chiến năm 1982; tổ chức tuần hành; hay áo của các vận động viên nước này tham dự Ô-lim-pích Luân Đôn 2012 sẽ mang dòng chữ “Man-vi-nát là của Ác-hen-ti-na”.
Tổng thống Ác-hen-ti-na Cri-xti-na Phéc-nan-đết đặt hoa lễ kỷ niệm ở thành phố U-shu-ai-a. Ảnh: Roi-tơ. |
Mối quan hệ song phương Anh - Ác-hen-ti-na có lẽ đang ở mức xấu nhất kể từ năm 1982. Suốt 30 năm qua, hai nước vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề tranh chấp. Dù xung đột quân sự khó diễn ra, song căng thẳng Man-vi-nát có thể sẽ hủy hoại kỳ vọng của Anh trong việc thắt chặt quan hệ kinh tế và thương mại với các nền kinh tế đang nổi tại Mỹ La-tinh. Đến nay, các nước trong khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) luôn ủng hộ Ác-hen-ti-na trong tranh chấp chủ quyền với Anh tại Man-vi-nát/Phoóc-len. Cuối tháng 12-2011, 4 quốc gia thuộc Mercosur gồm Ác-hen-ti-na, Bra-xin, U-ru-goay và Pa-ra-goay đã ra lệnh cấm tàu thuyền mang cờ Phoóc-len cập cảng. Các thành viên Mercosur hồi tháng 3 còn ra thông cáo phản đối hành động khai thác dầu của Anh tại Man-vi-nát. Ngày 2-4, Tổng thư ký UNASUR Ma-ri-a Êm-ma Mê-hi-a (María Emma Mejía) đã trao cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) bức thư trong đó phê phán Anh duy trì tình trạng thực dân “lỗi thời” tại châu Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 2-4, một số tổ chức quần chúng Ác-hen-ti-na đã tổ chức biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Anh tại thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rết. Những người biểu tình đã ném bom xăng tự tạo, gạch đá và chai lọ vào cảnh sát làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh tại sứ quán Anh. Cảnh sát buộc phải dùng vòi rồng để giải tán đám đông những người quá khích đốt cờ Anh. Một số cảnh sát và người biểu tình bị thương nhẹ trong khi xô xát.
Bộ Ngoại giao Anh đã lên án cuộc tấn công bạo lực trên. “Tất cả mọi quốc gia đều phải tuân theo Công ước Viên về bảo vệ thích đáng các cơ quan ngoại giao nước ngoài. Chúng tôi hy vọng chính phủ Ác-hen-ti-na tiếp tục tuân thủ công ước này và tiếp tục thực thi đầy đủ luật pháp nhằm trấn áp người biểu tình có hành vi phạm pháp”.
Cho đến nay, bất chấp nghị quyết của Liên hợp quốc yêu cầu Anh đàm phán giải quyết tranh chấp, Luân Đôn vẫn làm ngơ với lý do chỉ đàm phán nếu người dân tại quần đảo đề nghị. Trong khi đó, khoảng 3000 người dân tại Man-vi-nát (phần lớn là người Anh) lại không muốn quần đảo thuộc chủ quyền của Ác-hen-ti-na. Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) nhấn mạnh, Luân Đôn tiếp tục duy trì việc xác định quyền đối với người dân quần đảo này và cho rằng, chính người dân trên đảo sẽ tự quyết định tương lai của họ.
Theo: qdnd.vn