Chỉ còn hai ngày nữa là đến hạn chót để Xy-ri rút quân và vũ khí khỏi các thành phố điểm nóng như đã thỏa thuận trong kế hoạch hòa bình 6 điểm mà Đặc phái viên của Liên hợp quốc và Liên đoàn A-rập (AL), cựu Tổng thư ký LHQ Cô-phi An-nan (Kofi Annan), đề xuất. Thế nhưng tình hình tại quốc gia Trung Đông này vẫn “rối như canh hẹ” khi giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy vẫn tiếp diễn, trong khi hàng chục nghìn dân thường lũ lượt rời bỏ đất nước đi lánh nạn.
Người dân tập trung kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập đảng Baath cầm quyền tại Xy-ri ở thủ đô Đa-mát ngày 7-4. Ảnh: Roi-tơ. |
Hãng tin AFP cho hay, để tăng cường khả năng phòng thủ, Chính phủ Xy-ri đã đưa thêm xe tăng và binh sĩ tới các khu vực ngoại ô thủ đô Đa-mát. BBC cho biết, ngày 7-4, đụng độ đã xảy ra giữa quân đội và người biểu tình tại La-tam-nê, ngoại ô thành phố Ha-ma làm ít nhất 24 người thiệt mạng.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) đã lên án các vụ bạo lực trên. Ông Ban Ki-mun cũng nhắc lại lời hứa của Tổng thống An Át-xát về việc sẽ rút quân đội ra khỏi một số thành phố vào ngày 10-4. Trước đó, ngày 3-4, Chính phủ Xy-ri tuyên bố, quân đội bắt đầu rút quân và chỉ duy trì một lực lượng quân sự nhỏ tại các khu vực điểm nóng giao tranh với phe nổi dậy. Tuy nhiên, phe đối lập ở Xy-ri cáo buộc, quân đội chính phủ vẫn chưa rút và tiếp tục tấn công các vị trí của lực lượng này.
Trong khi đó, Chính phủ Xy-ri cũng lên tiếng cảnh báo các quốc gia tuyên bố ủng hộ vũ khí cho các lực lượng đối lập tại Xy-ri về hậu quả của hành động này, cũng như kêu gọi các quốc gia không nên dành “thiên đường an toàn” cho những đối tượng ủng hộ khủng bố tại Xy-ri. Trong một tuyên bố được đăng tải trên Hãng Thông tấn nhà nước Xy-ri, Chính phủ Xy-ri nói rằng, đang tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm loại bỏ khủng bố và áp dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa việc tiếp vũ khí cho các nhóm vũ trang tại Xy-ri.
Trước tình hình căng thẳng tại Xy-ri, nhiều người dân nước này tiếp tục rời bỏ đất nước và chạy sang khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ước tính chỉ trong vòng hai tuần qua đã có khoảng 24.000 người dân Xy-ri đã đi lánh nạn. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ A-mét Đa-vu-tô-glu (Ahmet Davutoglu), nếu dòng người tị nạn Xy-ri tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tăng, nhiều khả năng nước này sẽ phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía LHQ.
Theo: qdnd.vn