Mặc dù địa điểm đàm phán đã được chốt ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 vào ngày 13-4 có thể sẽ không diễn ra suôn sẻ.
Trong một tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Iran Ali Ali Akbar Salehi tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào đối với cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức). Lý giải về động thái này, truyền hình Iran dẫn phát biểu của ông Salehi cho rằng việc phương Tây và nhóm P5+1 đưa ra những điều kiện đàm phán mới không chỉ gây sức ép với Tehran, mà còn cho thấy sự không thiện chí của Mỹ và phương Tây. "Việc áp dụng các điều kiện trước cuộc đàm phán này có nghĩa là đưa ra các kết luận trước đàm phán và điều này hoàn toàn không có ý nghĩa gì” - ông Salehi nói. Trước đó, đầu tuần này, tờ The New York Times cho biết Mỹ và các nước đồng minh phương Tây sẽ đưa ra một số yêu cầu cho vòng đàm sắp tới, trong đó có việc Tehran phải đóng cửa ngay lập tức cơ sở hạt nhân Fordo ở miền Trung nước này, đồng thời ngừng làm giàu uranium mức độ 20%.
Quyết định điều thêm tàu USS Enterprise tới vùng Vịnh đã minh chứng cho sự quyết tâm "cứng rắn" trước đàm phán của Mỹ. Ảnh: Internet |
Một động thái nữa đáng chú ý, đó là những thông tin về kế hoạch B của Mỹ và phương Tây nhằm đối phó với Iran, trong trường hợp Iran không tuân theo. Tờ "Thời báo New York” của Mỹ cho biết, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã lên kế hoạch yêu cầu Iran đóng cửa ngay lập tức và dỡ bỏ một cơ sở hạt nhân bí mật mới được hoàn thành gần thành phố Qum. Trong bối cảnh ấy, Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Iran thời gian dành cho đàm phán đang cạn dần. Phát biểu trước báo giới tại Washington, Ngoại trưởng H.Clintơn nêu rõ: "Chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình để giải tỏa những quan ngại của cộng đồng quốc tế, song thời gian dành cho giải pháp ngoại giao không phải là vô hạn và tất cả những phương án nhằm ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn đang để ngỏ”. Các yếu tố này cho thấy Mỹ đã có "tâm lý chuẩn bị” và sẵn sàng giương cao "cây gậy” trong trường hợp Iran không muốn "củ cà rốt”.
Như vậy là sức nóng đang gia tăng nhanh chóng trước thềm cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1. Hiện giới phân tích cho rằng, với những quan điểm lệch pha hiện nay, rất khó có khả năng nhượng bộ giữa các bên. Nếu Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục tăng cường sức ép với Iran, tất yếu sẽ dẫn tới những hành động phản kháng mạnh mẽ hơn từ Tehran. Cách đây ít tháng, Iran đã tuyên bố sẽ phong tỏa hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Homuz và sẽ có những hành động dứt khoát "bảo vệ lợi ích sống còn” của mình trong trường hợp bị Mỹ và phương Tây dồn ép quá đáng. Nếu trường hợp này xảy ra, rất khó lường trước những hệ quả của nó đối với khu vực. Về chính trị, nếu Iran bất ổn, nó sẽ kéo theo "sự bùng nổ” ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Syria và Israel trong bối cảnh khu vực Trung Đông, Bắc Phi đang có những xáo trộn mạnh mẽ. Về kinh tế, làm căng với Iran quá lâu, cũng sẽ khiến Mỹ phải gánh chịu những hệ quả lớn, mà trước mắt là đe dọa tới nguồn cung dầu mỏ. Bởi eo biển Homuz là nơi trung chuyển 20% sản lượng dầu mỏ toàn thế giới. Ở thời điểm này, giá dầu mỏ thế giới đã tăng cao. Nếu Iran thực sự có ý định phong tỏa eo biển này, thì giá dầu có thể tăng lên đến 500 USD/thùng dầu trong tương lai gần. Đây là một cuộc tấn công mạnh mẽ đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt với Mỹ. Đây cũng là một con dao hai lưỡi, không chỉ đối với phương Tây, mà còn đối với cả Iran bởi kinh tế Iran chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ.
Xét về sâu xa, cả Iran và các bên liên quan đều bị ràng buộc bởi lợi ích. Vì thế, muốn hay không, cả Iran, Mỹ và EU cũng phải cân nhắc hài hòa yếu tố này. Đàm phán chính là giải pháp tháo gỡ những nút thắt bế tắc hiện nay và do đó vẫn còn le lói chút hy vọng cho cuộc đàm phán vào ngày 13-4 tại Istanbul./.
Theo: daidoanket.vn