Nhắc đến đàn tranh cũng như rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác của Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh người nghệ sĩ tha thướt, nhẹ nhàng, cuốn hút khán giả bằng những giai điệu nhẹ nhàng, êm ái. Nhưng có nghe và xem nghệ sĩ Võ Vân Ánh biểu diễn mới thấy hết được sự dữ dội đến mê hoặc của thứ nhạc cụ chứa đựng hồn nhạc Việt này. Chẳng thế mà ở nước ngoài khi chị mang đàn tranh ra biểu diễn đã hấp dẫn ngay được những người bạn ở khắp nơi trên thế giới.
Học đàn tranh vì thấy... đẹp
Sinh ra trong một gia đình có bố là nghệ sĩ guitar của dàn nhạc dân tộc, cô bé Võ Vân Ánh lớn lên trong khu tập thể của khu văn công Mai Dịch (Hà Nội). 4 tuổi, cô bé đã chính thức học những nốt nhạc đầu tiên. Đến 6 tuổi, Vân Ánh từ chối đề nghị học đàn cello của bố mẹ vì một lý do hết sức trẻ con mà bây giờ nghĩ lại chị vẫn thấy buồn cười: chỉ vì dáng ngồi của những nghệ sĩ chơi đàn cello không được đẹp lắm!
Lớp dạy đàn tranh của nghệ sĩ Vân Ánh trên đất Mỹ. Ảnh: Internet |
Để rồi lần đầu tiên nhìn thấy NSƯT Hồng Nhật biểu diễn với cây đàn tranh, Vân Ánh đã mê mẩn ngay. Bố mẹ cô thấy con gái yêu thích thì vui vẻ đồng ý. Người thầy đầu tiên truyền những ngón đàn tranh cho Vân Ánh chính là NSƯT Hồng Nhật. Sau đó, Vân Ánh vào học trường Nghệ thuật Hà Nội, dưới sự giảng dạy của NSƯT Nguyễn Hòa Bình. Thời gian tiếp theo, chị chuyển sang Học viện Âm nhạc Quốc gia dưới sự giảng dạy của GS Ngô Bích Vượng. Bên cạnh đó, chị còn tìm tòi, học hỏi từ rất nhiều nghệ nhân khác về chèo, cải lương như nghệ sĩ Trần Đại, Thế Thiệp... Đặc biệt, nhiều lần chị có cơ hội làm việc với GS Trần Văn Khê - người được coi là nổi tiếng nhất trong lĩnh vực âm nhạc và dân tộc nhạc học ngày nay.
"Cây đàn tranh có thể thể hiện được nhiều khoảng âm thanh và tình cảm của con người. Lúc thì như một tiếng cười, khi lại nỉ non như tiếng khóc. Đó là một giọt mưa rơi xuống và rồi nước bắn lên, một trận cuồng phong hay cơn bão lòng, cũng có thể là một giây phút tĩnh tâm của con người... Điểm mạnh của đàn tranh nhiều lắm nên đến bây giờ, sau hơn 30 năm gắn bó với cây đàn tranh, mỗi ngày tôi vẫn tìm thấy sự mới của nó” - nghệ sĩ Vân Ánh chia sẻ.
Đưa đàn tranh "xuất ngoại”
Lập gia đình rồi theo chồng sang định cư ở Mỹ từ năm 2001, nghệ sĩ Vân Ánh hiện đang sống và làm việc tại vùng vịnh San Francisco (Mỹ) - nơi tập trung nhiều sự khác biệt và đa dạng sắc tộc đến từ khắp nơi trên thế giới. Là người nghệ sĩ, Vân Ánh coi đây là cơ hội để tạo nhịp cầu đưa các bạn nước ngoài đến với cây đàn tranh, từ đó thêm hiểu, thêm yêu âm nhạc truyền thống, văn hóa Việt Nam.
Vốn được đào tạo đàn tranh theo phong cách truyền thống, chị muốn âm nhạc của mình phải có được hơi thở của thời đại mình đang sống mà vẫn giữ được cái gốc truyền thống Việt Nam. Vì thế, khi chơi hay viết nhạc, hoà âm, nghệ sĩ Vân Ánh đều tìm tòi nhiều để làm sao "vẫn giữ được chất liệu âm nhạc Việt mà vẫn hiện đại, nói được tiếng nói của người phương Tây” - có như vậy mới dễ dàng đến được với các bạn nước ngoài. Bởi chỉ khi làm cho họ hiểu, có được sự yêu mến của họ thì mới có thể giới thiệu nhiều hơn, sâu hơn về âm nhạc truyền thống, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.
Vừa viết nhạc để bày tỏ suy nghĩ của mình, vừa trình diễn đàn tranh để đem âm nhạc Việt đến gần hơn với bạn bè thế giới, nghệ sĩ Vân Ánh còn mở lớp dạy đàn tranh. Hằng tuần, mỗi thứ 7 chị đều lái xe lên San Francisco để dạy học, từ 8h sáng đến 2h chiều tại Trung tâm văn hóa Âu Cơ. 40 học sinh của chị được chia làm 3 lớp với đủ các dân tộc khác nhau: người Việt Nam, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Mỹ... trong độ tuổi từ 6 đến... 82 tuổi. Ngoài ra, chị cũng dành thời gian dạy đàn riêng cho khoảng chục em, mỗi tuần hai buổi. Với chị, đó là công việc thú vị, có thể đem cái hay, vẻ đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam giới thiệu với các bạn, đồng thời khuyến khích mỗi học sinh kết hợp suy nghĩ, cảm nhận của mình để tạo ra sự phong phú, đa dạng cho tiếng đàn tranh.
Mỗi khi trình diễn những bản nhạc dân tộc đã được sáng tạo trong cách hòa âm, phối khí theo phong cách Tây phương, tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Vân Ánh nhận được sự đón nhận rất hào hứng và thích thú của những người bạn quốc tế. Tuy nhiên, chị cũng xác định rằng con đường mang đàn tranh ra thế giới còn rất xa và lâu, và không chỉ một mình chị làm được mà phải là sự chung tay góp sức của rất nhiều người khác.
Quảng bá hình ảnh Việt
Kế hoạch gần nhất là vào khoảng trung tuần tháng 5 này, nghệ sĩ Vân Ánh sẽ thực hiện chương trình hòa nhạc cùng với nhóm nhạc tứ tấu nổi tiếng nhất thế giới Kronos Quartet (Mỹ). Còn xa hơn, năm 2013, chị sẽ có một chương trình biểu diễn ở Trung tâm hoà nhạc nổi tiếng nhất thế giới tại New York. Trước Võ Vân Ánh, chưa có một nghệ sĩ Việt Nam nào, nhất là nghệ sĩ chơi đàn dân tộc có cơ hội trình diễn.
Là người sáng tác và chơi nhạc cho bộ phim đoạt giải đặc biệt tại LHP Sundance 2002 và đề cử Oscar 2003 mang tựa đề "Người con gái Đà Nẵng”, nghệ sĩ Võ Vân Ánh còn là đồng tác giả của tác phẩm nhạc nền cho bộ phim tài liệu Bolinao 52 đã đoạt giải Emmy 2009. Đó không chỉ là giải thưởng, niềm vinh dự của riêng cá nhân chị mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. "Người nghệ sĩ Việt Nam đã có thể đứng ngang hàng với nghệ sĩ trên thế giới, có lẽ đó là một trong những cách quảng bá âm nhạc, văn hóa Việt Nam tuyệt vời nhất đến với bạn bè quốc tế” - nghệ sĩ Vân Ánh nói./.
Theo: daidoanket.vn