Những sai lầm của truyền thông phương Tây khi đưa tin về Xy-ri

07:04, 02/04/2012

Các phương tiện truyền thông phương Tây, từ Thời báo Niu Y-oóc, Fox News (Mỹ), cho tới Người bảo vệ (Anh) và Bưu điện Quốc gia (Ca-na-đa) hay Thế giới (Pháp) khi đưa tin về Xy-ri, đều có một nội dung cơ bản, đó là “chính quyền độc tài Xy-ri đang tra tấn và tàn sát người biểu tình và thường dân, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em" và rằng, "các nước phương Tây và Liên minh A-rập muốn bảo vệ những thường dân Xy-ri". Tuy nhiên, Liên minh Ngăn chặn Chiến tranh (StWC), một tổ chức độc lập tại Anh, cho rằng truyền thông phương Tây đã mắc nhiều sai lầm trong cách đưa tin về Xy-ri.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Xy-ri. Nguồn: Flick.com

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Xy-ri. Nguồn: Flick.com

Theo StWC, truyền thông phương Tây đã sử dụng mọi thông tin có được để đưa tin theo lập trường của họ mà không quan tâm đến nguồn tin và chất lượng tin. Cách đưa tin thành kiến và cường điệu về các sự kiện tại Xy-ri đã tạo ra một nguy cơ đẩy cuộc xung đột tại đây thành một cuộc chiến tranh tổng lực với những hậu quả thảm khốc đối với người dân Xy-ri và với cả khu vực. Những sai lầm trong cách đưa tin về Xy-ri mà truyền thông phương Tây đã mắc phải, bao gồm:

Thứ nhất, truyền thông phương Tây có một “giả định ngầm” rằng, đa số người dân Xy-ri ủng hộ lực lượng chống đối chính phủ, và rằng họ muốn Tổng thống Ba-sa Át-xát phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò ý kiến duy nhất được tổ chức YouGovSiraj có trụ sở tại Ca-ta thực hiện cho biết, 55% người dân Xy-ri không muốn ông Át-xát ra đi bởi lẽ họ lo sợ sự bất ổn và nguy cơ nội chiến xảy ra. Nhiều người vẫn tin tưởng vào sự cải cách của ông Át-xát trong khi có nhiều người khác vẫn được hưởng lợi từ chính sách đãi ngộ của chế độ hiện nay…

Thứ hai, liệu Hội đồng Quốc gia Xy-ri (SNC) và lực lượng chống đối có vũ trang có đại diện cho phong trào đối lập tại Xy-ri? Theo StWC, người đại diện cho SNC là Giáo sư người Xy-ri Buốc-han Gha-li-un (Burhan Ghalioun), hiện đang ở Pa-ri (Pháp). SNC, chủ yếu tập hợp những người Xy-ri ở nước ngoài, yêu cầu nước ngoài can thiệp vào tình hình ở Xy-ri và kêu gọi bác bỏ mọi cuộc đối thoại với chính phủ của ông Át-xát. Một tổ chức khác cũng tuyên bố là đại diện của phe đối lập là Tổ chức Hợp tác Đối lập Xy-ri (SOC) hoạt động tại Xy-ri và không ủng hộ sự can thiệp của nước ngoài. Thêm vào đó, có những tổ chức vũ trang hoạt động trong nước như Quân đội Xy-ri tự do, cũng đã tổ chức các cuộc tấn công vào các tòa nhà chính phủ và cướp bóc tài sản. StWC nhấn mạnh, theo cách đưa tin của truyền thông phương Tây thì phe đối lập tại Xy-ri cơ bản do SNC đại diện. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây lại không cho biết về các tổ chức này, chương trình nghị sự, hệ tư tưởng của họ.

Thứ ba, số lượng thương vong tại Xy-ri là bao nhiêu và ai là thủ phạm? Thực tế đã có những thương vong và do nhiều nguyên nhân. Số lượng người thiệt mạng do Hội đồng Nhân quyền LHQ tuyên bố, tính tới thời điểm này là 7.500 và con số này thường xuyên được truyền thông phương Tây sử dụng để đề cập về quy mô đàn áp tại Xy-ri. Tuy nhiên, không có phân tích cụ thể về con số này, theo đó tỷ lệ thường dân là bao nhiêu, lực lượng vũ trang của phe đối lập thiệt mạng là bao nhiêu và binh lính chính phủ là bao nhiêu? Truyền thông phương Tây cần có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng con số thương vong khi đưa tin, bởi những con số này có ảnh hưởng lớn đối với việc định hình dư luận quốc tế về cuộc xung đột.

Thứ tư, liệu các nguồn tin có tin cậy và không thành kiến? Hoạt động của các nhà báo nước ngoài tại Xy-ri bị hạn chế bởi lo ngại về an ninh. Hệ quả là, truyền thông phương Tây đã sử dụng các nguồn tin, chủ yếu từ Cơ quan Giám sát Nhân quyền Xy-ri (SOHR) và các nguồn tin từ các lực lượng đối lập. Đôi khi, truyền thông phương Tây chỉ dẫn nguồn là "các nhà hoạt động" hoặc một thực thể lạ hoắc như "Hội đồng Hợp tác Địa phương" (LCC) mà không cung cấp chi tiết về các nguồn tin này. Vì thế, StWC cho rằng, báo chí chất lượng cao đòi hỏi phải xác minh triệt để nguồn tin từ cả hai phía để tạo sự cân bằng thông tin.

Thứ năm, lợi ích của các quốc gia muốn thúc đẩy thay đổi chế độ tại Xy-ri cũng như ủng hộ việc can thiệp của nước ngoài là gì? Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Xy-ri bị phức tạp thêm bởi sự can thiệp của một danh sách dài các tác nhân nước ngoài như A-rập Xê-út, Hội đồng các quốc gia vùng Vịnh (GCC), Liên minh châu Âu (EU), với chương trình nghị sự chính trị riêng của mình. Truyền thông phương Tây bấy lâu đã đưa tin hời hợt về các mục tiêu của các quốc gia vốn đang đóng vai trò tích cực trong cuộc xung đột tại Xy-ri. Cốt truyện đơn giản chỉ là các chính phủ này muốn "bảo vệ người dân Xy-ri", còn những mắt lưới phức tạp của những lợi ích bất di bất dịch thì phần lớn bị bỏ qua.

StWC kết luận rằng, cũng giống như trường hợp tại Li-bi, việc đưa tin một chiều về cuộc xung đột tại Xy-ri đang khiến cuộc xung đột này leo thang thành nội chiến và sự can thiệp quân sự nước ngoài, vốn nhằm phục vụ một số lợi ích ngắn hạn của các quốc gia bên ngoài, sẽ rất tàn khốc đối với người dân Xy-ri. StWC kêu gọi truyền thông phương Tây cần có trách nhiệm đạo đức lớn hơn và chuyển từ cách đưa tin một chiều thiếu khách quan đối với chính phủ Xy-ri sang một cách tiếp cận toàn diện, cân bằng hơn về cuộc xung đột tại quốc gia này.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com