Hãng BBC đưa tin, ngày 4-3, 200 lính thủy đánh bộ Mỹ đã được triển khai tới thành phố Đác-uyn, Bắc Ô-xtrây-li-a. Đây là số lính Mỹ đầu tiên trong tổng số khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ sẽ được triển khai tới Ô-xtrây-li-a theo kế hoạch của quân đội Mỹ đến năm 2017 sau khi Mỹ và Ô-xtrây-li-a tăng cường quan hệ quốc phòng. Thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước đã đạt được nhân chuyến thăm Ô-xtrây-li-a của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma vào tháng 11 năm ngoái.
Những thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên được triển khai tới Ô-xtrây-li-a. Ảnh: AFP |
Các binh sĩ Mỹ sẽ đóng ở Rô-bớt-xơn, một căn cứ huấn luyện chung của Ô-xtrây-li-a và Mỹ ở ngoại vi thành phố Đác-uyn và luân chuyển 6 tháng một lần. Họ sẽ tham gia các hoạt động huấn luyện với lực lượng quốc phòng Ô-xtrây-li-a (ADF) và thực hiện các kế hoạch huấn luyện riêng của quân đội Mỹ. Các hoạt động huấn luyện chủ yếu diễn ra tại các khu vực riêng của ADF tại Lãnh thổ phía Bắc, bao gồm Núi Băn-đây và các miền đất thấp Căng-ga-ru. Lực lượng Mỹ được triển khai tới Ô-xtrây-li-a bao gồm các đơn vị chỉ huy, tác chiến trên bộ, trên không và hậu cần. Ngoài ra, trang thiết bị hỗ trợ lực lượng này sẽ bao gồm xe cơ giới, pháo, xe bọc thép hạng nhẹ và máy bay. Theo các nguồn tin, trong kế hoạch mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ, Ô-xtrây-li-a có thể còn cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ nước này, cụ thể là đảo Cô-cô nằm trên Ấn Độ Dương, cách phía Tây Úc và Nam In-đô-nê-xi-a khoảng 3000km, để tiến hành các chuyến bay do thám tầm xa. Ngoài ra, Oa-sinh-tơn cũng sẽ triển khai tàu sân bay, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử tại thành phố Pớt, phía Tây Ô-xtrây-li-a.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra nhân việc Mỹ bắt đầu triển khai binh lính tới Ô-xtrây-li-a, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Giu-li-a Gi-lát (Julia Gillard), Bộ trưởng Quốc phòng Xtê-phen Xmít (Stephen Smith) và Thủ hiến Lãnh thổ phía Bắc Pôn Hen-đơ-xơn (Paul Henderson) cho rằng, sự kiện này là chương mới nhất trong liên minh hơn 60 năm qua giữa Ô-xtrây-li-a với Mỹ. Tuy nhiên, trong tuyên bố, họ khẳng định: “Không có các căn cứ quân sự (thường xuyên) ở Ô-xtrây-li-a và điều này sẽ không thay đổi”. Mỹ hiện chỉ triển khai binh sĩ có giới hạn tại Ô-xtrây-li-a.
Bản đồ kế hoạch hiện diện của quân đội Mỹ ở Ô-xtrây-li-a. Ảnh bản đồ: AFP |
Việc điều động binh lính tới Ô-xtrây-li-a là động thái mới nhất cho thấy sự chuyển dịch địa chiến lược quan trọng của Oa-sinh-tơn. Đây là động thái nằm trong kế hoạch của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương.
Nhà Trắng nói rằng họ muốn mở rộng khả năng triển khai lực lượng để thực thi các sứ mệnh cứu trợ khi thảm họa xảy ra ở khu vực Đông Nam Á. Đại sứ Mỹ tại Ô-xtrây-li-a Giép-phrây Blếch (Jeffrey Bleich) nói, Oa-sinh-tơn muốn bảo đảm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, bảo đảm cho các tuyến đường thương mại được thông suốt. Tuy nhiên, động thái trên của Mỹ được giới phân tích đánh giá là khiến Bắc Kinh không hài lòng. Trung Quốc đã tuyên bố việc Mỹ triển khai lính thủy đánh bộ là bằng chứng của "một dạng Chiến tranh lạnh".
Lo ngại những phản ứng của các nước láng giềng khu vực về động thái của Mỹ, ông Xtê-phen Xmít đã phát biểu nhằm tái khẳng định với các nước trong khu vực, bao gồm những nước láng giềng thân cận nhất là In-đô-nê-xi-a, thậm chí cả Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này rằng, họ có thể tham gia các cuộc diễn tập chung trong tương lai. Ông Xmít nói trên Đài Phát thanh ABC rằng, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-y-ô-nô cho rằng, việc triển khai quân của Mỹ là điều tốt đẹp. Ông Giu-đô-y-ô-nô nhận thấy triển vọng không chỉ Ô-xtrây-li-a, Mỹ mà cả In-đô-nê-xi-a sẽ tham gia các cuộc diễn tập, thậm chí mở rộng hơn bao gồm cả Trung Quốc.
Theo: qdnd.vn