Kế hoạch B của Mỹ cho I-ran

08:04, 23/04/2012

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta vừa có cuộc trả lời phỏng vấn trên CNN, trong đó xác nhận Mỹ đã chuẩn bị kế hoạch B để đối phó với I-ran nếu nước này không từ bỏ chương trình hạt nhân. Kế hoạch B này chính là đòn tấn công quân sự và gây sức ép mạnh mẽ hơn mà Oa-sinh-tơn chuẩn bị dành cho I-ran trong trường hợp cần thiết. Ông chủ Lầu Năm Góc tin chắc rằng, kế hoạch B “sẽ thành công” khi các lực lượng tấn công của Mỹ triển khai tại vùng Vịnh có thể mang theo 430 quả tên lửa Tô-ma-hốc.

Tàu sân bay Mỹ đang làm nhiệm vụ tại vùng Vịnh. Ảnh: RIA Novosti
Tàu sân bay Mỹ đang làm nhiệm vụ tại vùng Vịnh. Ảnh: RIA Novosti

Động thái này diễn ra khi cuộc đàm phán hạt nhân giữa I-ran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) tại I-xtan-bun vừa kết thúc với kết quả khả quan nhất là các bên nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 23-5 tại I-rắc. Thực tế, những tin tức về kế hoạch B của Mỹ đối phó với I-ran không phải là mới mẻ. Song nó đã được đề cập khá thường xuyên trong thời gian gần đây, thậm chí ngay trước khi cuộc đàm phán ở I-xtan-bun diễn ra. Và trước đó, Mỹ đã thực thi một loạt các biện pháp gây sức ép đối với Tê-hê-ran như gia tăng các lệnh cấm vận và tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực vùng Vịnh gần I-ran.

Thời gian qua, liên tục những tuyên bố cứng rắn của Oa-sinh-tơn được phát đi. Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn cảnh báo thời gian dành cho đàm phán với I-ran đang cạn dần. Bà Clin-tơn nói: “Chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình để giải tỏa những quan ngại của cộng đồng quốc tế, song thời gian dành cho giải pháp ngoại giao không phải là vô hạn và tất cả những phương án nhằm ngăn I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn đang để ngỏ”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma tuyên bố, về mặt ngoại giao, thời gian xử lý hồ sơ hạt nhân của I-ran sắp hết. Mặc dù vẫn còn thời gian cho một giải pháp ngoại giao, nhưng Mỹ sẽ không thể chờ đợi với thái độ “cố tình lần chần” của I-ran hiện nay.

Vì vậy, tuyên bố của Bộ trưởng Pa-nét-ta có thể là động thái đầy chủ đích của Oa-sinh-tơn nhằm gây sức ép đối với I-ran để đạt được các mục tiêu trên bàn đàm phán sắp tới với nhà nước Hồi giáo. Nó cũng một lần nữa khẳng định, Oa-sinh-tơn luôn sẵn sàng giương cao “cây gậy” nếu Tê-hê-ran không muốn “củ cà rốt”.

Cùng với tuyên bố của ông chủ Lầu Năm Góc, hiện nay, Mỹ đang ráo riết triển khai hai tàu sân bay, các tàu chiến, tàu ngầm và lực lượng lính thủy đánh bộ bổ sung tới khu vực vùng Vịnh gần I-ran. Mặc dù cả hải quân Mỹ và Lầu Năm Góc đều khẳng định, đây là hoạt động mang tính “thường kỳ” của quân đội Mỹ, nhưng tuyên bố của ông Pa-nét-ta khiến người ta e rằng, Mỹ thực sự đang chuẩn bị cho kế hoạch B. Đáng lo ngại khi Interfax cho biết, nhóm tàu chiến của Mỹ dẫn đầu là tàu sân bay USS Enterprise đã mang theo ít nhất 130 quả tên lửa Tô-ma-hốc đến Vịnh Ba Tư. Ngoài ra, còn một nhóm tàu chiến khác, trong đó dẫn đầu là tàu sân bay USS Abraham Lincoln được trang bị nhiều tên lửa hành trình tầm xa. Cùng với đó, Mỹ cũng điều tàu ngầm USS Georgia, mang theo 154 quả tên lửa Tô-ma-hốc tới vùng biển này. Một tàu ngầm khác, thuộc nhóm tấn công đổ bộ của Mỹ, cũng được cho là mang theo 12 quả tên lửa hành trình sẽ được điều tới vùng Vịnh. Interfax dẫn lời các chuyên gia cho biết, con số thống kê sơ bộ cho thấy ít nhất 430 quả tên lửa Tô-ma-hốc của Mỹ đang nằm trong phạm vi 1.700km xung quanh các vùng biển của Vịnh Ba Tư. Các tên lửa này có thể đặt toàn bộ hệ thống phòng không của I-ran vào tầm bắn và có khả năng biến các sân bay quân sự của nước này thành đống đổ nát.

Từ trước tới nay, mọi động thái đe dọa và gây sức ép của Oa-sinh-tơn cùng cộng đồng quốc tế dường như đều chẳng làm nhà nước Hồi giáo nao núng. Trái lại, I-ran vẫn tuyên bố kiên quyết theo đuổi và bảo vệ chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình. Và không ít lần, Tê-hê-ran giương cao “vũ khí dầu mỏ” của mình để đáp trả. Cụ thể, I-ran nhiều lần đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hoóc-mút, tuyến vận chuyển dầu mỏ chiến lược từ “rốn dầu” Trung Đông ra thế giới.

Tuy nhiên, giờ đây, tình thế đang có biến chuyển khi có các tin tức cho thấy, I-ran đã bắt đầu “ngấm đòn” cấm vận của cộng đồng quốc tế. Cuộc đàm phán diễn ra vừa qua ở I-xtan-bun được cho là khá “tích cực” trong bầu không khí không căng thẳng như những lần trước đây đã dẫn tới bế tắc và đổ vỡ. Rõ ràng, I-ran đã cho thấy thiện chí muốn giải quyết vấn đề thông qua đàm phán và không muốn để sự việc trở nên tồi tệ hơn. Sau tuyên bố nói trên của Bộ trưởng Pa-nét-ta, người ta vẫn chưa thấy Tê-hê-ran có động thái hay tuyên bố đanh thép nào đáp trả như những lần trước đây. Hy vọng, thái độ ôn hòa của Tê-hê-ran sẽ là những tín hiệu khả quan góp phần tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán tới đây giữa I-ran và nhóm P5+1, giúp khai thông thế bế tắc vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com