Đàm phán hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14-4 đã kết thúc với kết quả tích cực vượt ngoài dự đoán, khi hai bên nhất trí nối lại đàm phán vào tháng tới ở I-rắc. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, các bên đã đạt được sự đồng thuận trên một số vấn đề quan trọng liên quan đến vấn đề hạt nhân của I-ran.
Phát biểu sau đàm phán, bà Ca-tơ-rin A-stơn, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định, cuộc đàm phán đã diễn ra tích cực và các bên cam kết sẽ tiếp tục hành động theo hướng thiết lập đối thoại từng bước. "Chúng tôi đã nhất trí rằng, Hiệp ước không phổ biến hạt nhân phải là nền tảng cơ bản. I-ran sẽ tuân thủ nghiêm túc mọi điều khoản trong hiệp ước, trên cơ sở phải được quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình", bà Ca-tơ-rin cho biết. Cũng theo bà Ca-tơ-rin, hai bên nhất trí sẽ tổ chức cuộc đàm phán tiếp theo vào ngày 23-5 tại thủ đô Bát-đa của I-rắc. "Chúng tôi hy vọng các cuộc gặp sau này sẽ dẫn tới những biện pháp cụ thể cho một giải pháp toàn diện thông qua thương lượng và qua đó, từng bước khôi phục lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự của I-ran", bà Ca-tơ-rin nói. Trưởng đoàn I-ran X. Gia-li-li, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao cũng xác nhận các bên đã đạt được thỏa thuận đối với hầu hết các vấn đề khung nhờ cách tiếp cận mang tính xây dựng của nhóm P5+1.
Cuộc đàm phán giữa I-ran và nhóm P5+1 tại I-xtan-bun hôm 14-4. Ảnh: Roi-tơ |
Đàm phán giữa I-ran và nhóm P5+1 được nối lại sau 15 tháng gián đoạn. Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh phương Tây tiếp tục nghi ngờ chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran, đặc biệt sau khi nước này chuyển toàn bộ hoạt động hạt nhân tới cơ sở ngầm Phô-đô trong lòng núi ở thành phố Côm, đồng thời công bố một loạt thành tựu hạt nhân mới, trong đó có việc làm giàu u-ra-ni ở cấp độ 20%. Ngoài ra, quốc gia Hồi giáo này cũng đe dọa sẽ đóng cửa eo biển chiến lược Hóc-mút, nơi trung chuyển tới 1/5 lượng dầu của thế giới. Mới đây nhất, Tê-hê-ran cũng quyết định ngừng xuất khẩu dầu sang 3 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Tây Ban Nha, Đức và Hy Lạp. I-ran đưa ra những hành động trên nhằm đáp trả các biện pháp gia tăng sức ép của Mỹ và phương Tây, trong đó có việc phương Tây đã liên tục cử các tàu chiến vượt eo biển Hóc-mút tới vịnh Péc-xích, áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành tài chính ngân hàng và lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của I-ran.
Vì thế, cuộc đàm phán tại I-xtan-bun vừa qua không kỳ vọng đạt được đột phá lớn. Nhưng mọi việc lại vượt xa cả những dự đoán với thái độ của cả I-ran và nhóm P5+1. Trưởng đoàn đàm phán I-ran Gia-li-li thậm chí còn lạc quan cho biết, "với cách tiếp cận hiện nay, có thể hai bên sẽ đạt được những kết quả nhất định trong các vòng đàm phán tiếp theo”. Điều này cho thấy sự thay đổi lớn trong thái độ của hai bên so với các cuộc gặp trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, hành động “bắc thang cho nhau leo xuống” của cả I-ran và phương Tây không phải là điều khó đoán khi cả hai bên trên thực tế đều không muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp xấu nhất.
Cách nay ít lâu, thế giới còn chứng kiến cảnh I-xra-en, đồng minh của Mỹ, “sôi sục” muốn tấn công I-ran. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận tổng thể thì thấy rõ, việc tấn công I-ran là một vấn đề nghiêm trọng, phải tính toán kỹ lưỡng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Pa-nét-ta từng cảnh báo, Mỹ sẽ thiệt hại rất nhiều khi tấn công I-ran và cho rằng, vấn đề của I-ran nên được thực hiện bằng biện pháp ngoại giao. Lầu Năm Góc cũng mô phỏng và đưa ra dự đoán, nếu I-xra-en tiến hành tấn công vào các cơ sở hạt nhân của I-ran thì sẽ gây ra hậu quả khó lường và khiến cho chiến tranh lan rộng ra khu vực. Nếu Mỹ cũng tham gia vào cuộc chiến này thì thương vong khó dự đoán. Đó là chưa kể những thiệt hại về kinh tế mà Mỹ và thế giới phải gánh chịu khi I-ran đóng eo biển Hóc-mút, tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng của khu vực Trung Đông và thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa là giá dầu sẽ tăng cao không có điểm dừng, khiến cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung lao vào một vòng xoáy khủng hoảng mới.
Còn với I-ran, nếu chiến tranh xảy ra, I-ran sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi mà nền kinh tế của nước này đang gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, đặc biệt kể từ khi Mỹ và EU áp dụng các biện pháp trừng phạt khắt khe. Trong bối cảnh như thế, để tránh xảy ra một cuộc chiến tốn kém và gây nhiều thương vong như thế, tất nhiên biện pháp tốt nhất là hai bên cùng ngồi vào đàm phán để đưa ra những thỏa thuận cùng có lợi.
Tất nhiên, câu chuyện về hạt nhân I-ran vẫn đang được đặt lên bàn đàm phán và mục tiêu của hai bên vẫn còn khác xa nhau. Nhưng việc I-ran quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân sau hơn một năm ngừng trệ là một tín hiệu tích cực nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến tranh hao người tốn của. Tuy nhiên, ngoài sự hợp tác của I-ran thì Mỹ và đồng minh cũng cần có sự hợp tác để cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân đạt được những kết quả cụ thể./.
Theo: qdnd.vn