Ngày 22-4, cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng một để lựa chọn trong số mười ứng cử viên tổng thống mới sẽ lãnh đạo nền kinh tế đứng thứ hai Khu vực đồng ơ-rô này trong 5 năm tới. Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, Tổng thống đương nhiệm N.Xác-cô-di của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cánh hữu cầm quyền và ứng cử viên P.Ô-lăng-đơ của đảng Xã hội (PS) cánh tả đang có nhiều cơ hội nhất lọt vào vòng hai.
Cuộc tranh cử tổng thống Pháp 2012 đã trở thành chủ đề chính thu hút mối quan tâm của các phương tiện truyền thông đại chúng của Pháp và thế giới. Trên báo chí Pháp năm 2012, chủ đề chiến dịch tranh cử tổng thống được đề cập nhiều nhất. Báo chí Pháp đưa tin về chiến dịch tranh cử tổng thống dưới mọi góc độ, từ chuyện đời tư của các ứng cử viên tới phân tích chương trình tranh cử. Các nhật báo lớn như Le Monde hay Le Figaro còn dành riêng cả một số trang về chủ đề tranh cử. Ngoài các bài phân tích, giới thiệu các ứng cử viên, Le Monde còn có nhiều phóng sự phản ánh tâm lý, lựa chọn của cử tri trên khắp các vùng miền đối với từng ứng cử viên.
Cử tri ủng hộ ứng cử viên G.Mê-lăng-sông của Mặt trận cánh tả (FG). Ảnh: Internet |
Bên cạnh phương tiện truyền thông, các viện nghiên cứu dư luận xã hội cũng mở nhiều cuộc thăm dò dư luận, nhằm đánh giá mối quan tâm và sự ủng hộ của cử tri đối với chương trình tranh cử của các ứng cử viên. Có tới hàng chục hãng thăm dò dư luận tham gia cuộc tìm hiểu này. Thay vì tiếp xúc trực tiếp với ứng cử viên, nhiều cử tri lựa chọn việc thông qua thông tin thu được từ báo chí và kết quả thăm dò dư luận để đưa ra quyết định bỏ phiếu cuối cùng.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, dẫn đầu danh sách các ứng cử viên có cơ hội lọt vào vòng hai vẫn là đương kim Tổng thống Xác-cô-di và ông Ô-lăng-đơ.
Ông Xác-cô-di chính thức khởi tranh chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai vào ngày 15-2 với thông điệp "Một nước Pháp mạnh". Luôn bị dẫn điểm trước ứng cử viên Ô-lăng-đơ trong các cuộc thăm dò dư luận kể từ đầu năm 2012 bởi những kết quả yếu kém sau năm năm nắm quyền, ông Xác-cô-di dần tìm được hy vọng sau chiến dịch tranh cử hoành tráng và dày đặc các cuộc mít-tinh tại các địa phương trên toàn quốc. Để lấy lại niềm tin của cử tri cánh hữu, ông Xác-cô-di tập trung chiến dịch tranh cử của mình vào những chủ đề chính liên quan an ninh và người nhập cư, đây là chủ đề đã mang lại thắng lợi cho ông Xác-cô-di trong cuộc tranh cử năm năm về trước. Ông Xác-cô-di đưa ra những đề xuất như xem xét lại Hiệp ước Sen-ghen về miễn thị thực nhập cảnh. Ông cho biết, nếu tái cử, ông sẽ đưa nước Pháp ra khỏi không gian Sen-ghen nếu không có những tiến triển tích cực trong vòng 12 tháng tới nhằm hạn chế dòng người nhập cư. Về kinh tế, ông Xác-cô-di hứa sẽ cân bằng ngân sách vào năm 2016, đánh thuế những người có thu nhập cao sinh sống tại những quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thuế. Ông Xác-cô-di cũng hứa sẽ đưa các vấn đề quan trọng của đất nước ra trưng cầu dân ý, điều mà ông đã không muốn thực hiện trong suốt năm năm nắm quyền của mình. Chiến dịch tranh cử của ông Xác-cô-di tỏ ra có hiệu quả khi nhiều cuộc thăm dò dư luận thực hiện trong tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua cho thấy, ông ngang bằng hoặc thậm chí vượt lên trên ứng cử viên Ô-lăng-đơ ở vòng một. Tuy nhiên, ông Xác-cô-di vẫn bị đánh bại ở vòng hai với số phiếu thu được từ 42% đến 45% so với tỷ lệ áp đảo 55% đến 58% của ông Ô-lăng-đơ.
Ứng cử viên Ô-lăng-đơ của đảng PS luôn là người được các hãng thăm dò dư luận đưa ra kết quả tích cực nhờ chiến dịch tranh cử hướng tới những vấn đề được người dân Pháp quan tâm hàng đầu là việc làm, sức mua và giáo dục. Những đề xuất của ông như tạo thêm 150 nghìn việc làm trong thời gian tới, tạo 500 nghìn hợp đồng tuyển dụng theo độ tuổi, nghỉ hưu ở độ tuổi 60 đối với những người đã làm việc 41,5 năm trở lên, xây dựng 2,5 triệu chỗ ở mới dành cho các trường hợp ưu tiên như sinh viên, người thu nhập thấp đã thu hút được sự chú ý của cử tri thuộc diện nghèo và tầng lớp trung lưu. Đề xuất đánh thuế tới 75% số những người có thu nhập hơn một triệu ơ-rô/năm của ông Ô-lăng-đơ cũng được coi là cú "sốc" tạo ấn tượng mạnh cho ông trong quá trình tranh cử.
Về chính sách đối ngoại, ông Ô-lăng-đơ tuyên bố sẽ xem xét lại hiệp ước đã ký với Liên hiệp châu Âu (EU) về chương trình "thắt lưng buộc bụng" và xem xét lại vai trò của Ngân hàng trung ương châu Âu để ưu tiên mục tiêu tăng trưởng và việc làm. Ông hứa sẽ rút lực lượng quân sự khỏi Áp-ga-ni-xtan ngay sau khi trúng cử tổng thống và sẽ rút toàn bộ quân vào cuối năm nay. Ông Ô-lăng-đơ đề xuất giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân bằng cách đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân cũ và đánh thuế các-bon đối với các sản phẩm nhập khẩu vào châu Âu. Các kết quả thăm dò dư luận cho thấy, nếu lọt được vào vòng hai, ông Ô-lăng-đơ sẽ nắm chắc phần thắng trước đương kim Tổng thống Xác-cô-di vốn bị chỉ trích quá nhiều về việc không thực hiện các lời hứa khi tranh cử năm năm trước.
Đứng thứ ba và thứ tư trong danh sách các ứng cử viên là bà Lơ Pen của đảng Mặt trận quốc gia (FN) cực hữu và ông Giăng Luých Mê-lăng-sông của Mặt trận cánh tả (FG), liên minh của đảng Cánh tả và Đảng CS Pháp. Bà Lơ Pen hướng tới các cử tri cực hữu bằng chủ đề truyền thống liên quan vấn đề an ninh và chỉ trích người nhập cư. Bà Lơ Pen đề xuất giảm 95% số người nhập cư trong năm năm tới, cũng như đưa nước Pháp ra khỏi Hiệp ước Sen-ghen, lập lại án tử hình và xây dựng thêm 40 nghìn chỗ trong nhà tù. Đối lập với bà Lơ Pen, ông Mê-lăng-sông thu hút cử tri bằng chủ đề xây dựng nền cộng hòa thứ 6 là nâng lương khởi điểm lên 1.700 ơ-rô, Pháp rút khỏi hiệp ước Li-xbon, đánh thuế 100% đối với những người có thu nhập từ 360 nghìn ơ-rô/năm trở lên, giáo dục bắt buộc đối với trẻ từ 3 đến 18 tuổi, cải cách giáo dục, phục hồi tất cả các vị trí trong ngành giáo dục đã bị cắt từ năm 2007. Các kết quả thăm dò cho thấy, ông Mê-lăng-sông đang tạo nên một "hiện tượng" của đợt tranh cử tổng thống lần này và ông là nhân tố mới tích cực của những người cộng sản Pháp đại diện cho tiếng nói của nhân dân lao động và trí thức trước những bất công của xã hội.
Các ứng cử viên của cuộc tranh cử tổng thống 2012 đang hồi hộp chờ đợi lá phiếu của cử tri đối với chương trình tranh cử của mình. Đây được coi là đợt "thăm dò" dư luận xã hội đầu tiên trước khi cuộc bỏ phiếu vòng hai dành cho hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất ở vòng một diễn ra vào ngày 6-5 tới. Người dân Pháp vốn đang gặp nhiều khó khăn trước tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, an ninh bất ổn, tương lai ảm đạm muốn có một sự thay đổi thật sự. Theo đánh giá, tỷ lệ gần 30% số cử tri chưa đưa ra quyết định cuối cùng trong các cuộc thăm dò dư luận vừa qua và tỷ lệ cử tri vắng mặt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả cuối cùng./.
HUY THẮNG
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp
Theo: nhandan.com.vn