Chỉ còn hai tuần nữa (ngày 22-4), cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống. Danh sách 10 ứng cử viên, gồm bảy nam và ba nữ, đã chính thức được công bố. Song giới phân tích dự đoán, cuộc bầu chọn ông chủ Điện Ê-li-dê (Phủ Tổng thống) thực chất chỉ là cuộc tranh đua giữa hai ứng cử viên hàng đầu, gồm Tổng thống đương nhiệm N.Xác-cô-di và ông P.Ô-lăng-đơ của đảng Xã hội (PS).
Chủ tịch Tòa án Hiến pháp G.Đe-brơ đã "chốt" danh sách 10 ứng cử viên tổng thống Pháp, những người thu thập đủ 500 chữ ký cần thiết của các thị trưởng và ủy viên hội đồng địa phương. Ngoài hai "gương mặt" sáng giá nêu trên, còn có các ứng cử viên: G.Mê-lăng-sông của Mặt trận Cánh tả (FG), P.Bây-ru của đảng Phong trào Dân chủ (Modem), M.Lơ Pen của đảng Mặt trận Quốc gia (FN), E.Giô-li của đảng Sinh thái châu Âu - đảng Xanh (EEVL), P.Pu-tu của đảng Chống chủ nghĩa tư bản mới (NPA), N.E-nhăng của phong trào Thức tỉnh nền cộng hòa (DLR), N.Ác-tô của đảng Công nhân đấu tranh (LO) và G.Sơ-mi-na-đơ của đảng Đoàn kết và Tiến bộ (S&P). Các ứng cử viên đã bước vào giai đoạn nước rút của chiến dịch tranh cử, với tần suất tiếp xúc và vận động cử tri, tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày một tăng.
Hai ứng viên tổng thống Pháp Xác-cô-di và Ô-lăng-đơ. Ảnh: Internet |
Vốn nổi tiếng là nhà lãnh đạo cứng rắn, với cương lĩnh tranh cử "Vì một nước Pháp hùng mạnh", ứng cử viên Xác-cô-di của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cầm quyền tập trung vào các vấn đề kinh tế, an ninh, nhập cư và Hồi giáo. Về kinh tế, ông cam kết thực hiện các biện pháp cắt giảm nợ công, thông qua "Quy tắc vàng", nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 0% GDP vào năm 2016. Không thể phủ nhận các hành động quyết liệt của Tổng thống Xác-cô-di về vấn đề an ninh và Hồi giáo, với việc trục xuất người nhập cư Ru-ma-ni, ngăn chặn dòng người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi tràn vào Pháp qua "cửa ngõ" I-ta-li-a, nhằm mục đích bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc gia. Ông Xác-cô-di chỉ đạo các chiến dịch an ninh, bắt giữ hàng chục phần tử Hồi giáo tình nghi liên quan hoạt động bạo lực, sau vụ thảm sát kinh hoàng ở thành phố Tu-lu-dơ và Mông-tô-băng. Về đối ngoại, ngoài những chỉ trích về các sai lầm ở Áp-ga-ni-xtan và Li-bi, ông Xác-cô-di được đánh giá cao khi không ngừng nâng cao vị thế đất nước, khẳng định vai trò quan trọng ở châu Âu, giữ cân bằng trong quan hệ giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU). Tại đảo Rê-uy-ni-ông, đơn vị hành chính cấp tỉnh nằm ở tây nam Ấn Độ Dương, nơi được coi là "thành trì" của cánh tả, ông cam kết thực hiện hàng loạt biện pháp phát triển các tỉnh và lãnh thổ hải ngoại, giảm giá sinh hoạt, tiêu dùng cho người dân và tạo việc làm cho giới trẻ, nhằm thu hút lá phiếu cử tri. Trước hàng nghìn người ủng hộ ở thành phố Li-ông, ông Xác-cô-di chỉ trích đối thủ Ô-lăng-đơ đánh cược tương lai của đất nước và cuộc sống của người dân bằng những kế hoạch không khả thi.
Nhưng Tổng thống Xác-cô-di lại không được coi là vị tướng giỏi trên mặt trận kinh tế. Bởi dưới sự chỉ huy của ông, "bức tranh" kinh tế Pháp liên tục phủ gam mầu xám trong thời gian dài. Thậm chí, Pa-ri còn bị cho là có nguy cơ trở thành một "mắt xích" tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Dù ông Xác-cô-di đã nỗ lực tiến hành các biện pháp mạnh như tăng thuế VAT, cắt giảm trợ cấp, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ..., nhưng triển vọng của kinh tế Pháp vẫn không mấy sáng sủa. Nợ công đã tăng lên mức "khủng" 1.700 tỷ ơ-rô. Tỷ lệ thất nghiệp dự báo vượt 10% vào tháng 6 tới.
Trong khi đó, ứng cử viên Ô-lăng-đơ, với kinh nghiệm hơn 10 năm lãnh đạo đảng PS, đã đưa ra những lời hứa khá "sốc" nhưng được lòng không ít cử tri. Ông cam kết giảm 30% lương của tổng thống và các thành viên chính phủ, soạn thảo hiến chương về đạo đức nghề nghiệp cho các thành viên chính phủ, tăng trợ cấp cho học sinh, không tăng giá nhiên liệu trong vòng ba tháng, tăng thuế đánh vào giới thượng lưu, tạo việc làm cho thanh niên, đấu tranh chống bất bình đẳng xã hội. Về đối ngoại, ông Ô-lăng-đơ tuyên bố sẽ gây sức ép để thay thế Hiệp ước về ổn định tài chính của Khu vực đồng ơ-rô, rút binh sĩ Pháp khỏi Áp-ga-ni-xtan trong năm 2012. Cương lĩnh tranh cử của ông Ô-lăng-đơ với khẩu hiệu "Sự thay đổi là bây giờ" được nhiều cử tri kỳ vọng, nhưng cũng không ít người hoài nghi về tính thực tiễn của nó. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu ông có "đủ sức" để hiện thực hóa những kế hoạch đầy tham vọng đó hay không. Ông chỉ trích mạnh mẽ đường lối lãnh đạo và các chính sách không hiệu quả của Tổng thống Xác-cô-di trong nhiệm kỳ 5 năm qua. Song, tuyên bố của ông Ô-lăng-đơ về Hiệp ước ổn định tài chính, vốn đã được 25 trong tổng số 27 nước thành viên EU nhất trí, không nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo châu Âu. Họ lo ngại các nỗ lực đối phó khủng hoảng nợ công sẽ đổ bể, nếu ông Ô-lăng-đơ đắc cử Tổng thống Pháp.
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, Tổng thống Xác-cô-di và ông Ô-lăng-đơ lần lượt giành được 30% và 29% số phiếu bầu tại vòng một cuộc bầu cử và ông Ô-lăng-đơ sẽ đánh bại Tổng thống Xác-cô-di tại vòng hai vào ngày 6-5, với tỷ lệ phiếu bầu 54%/46%. Ngoài ra, còn phải kể đến ứng cử viên G.Mê-lăng-sông của FG được đông đảo đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và tầng lớp nhân dân lao động ủng hộ, được dự đoán về thứ ba với 15% số phiếu bầu.
Các kết quả trên chỉ là dự đoán. Danh tính ông chủ mới của Điện Ê-li-dê sẽ chỉ biết sau khi kết quả chính thức được công bố. Song dù ai trở thành vị Tổng thống thứ bảy của nền cộng hòa thứ năm (từ năm 1958) và Tổng thống thứ 24 của Pháp, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là kéo đất nước lùi xa bờ vực khủng hoảng nợ công./.
Theo: nhandan.com.vn