Cuộc bầu cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã bước vào giai đoạn quyết liệt, khi việc lựa chọn người đại diện của đảng Cộng hòa đối lập đã "đột ngột" được tạm xác định là cựu Thống đốc tiểu bang Ma-xơ-chu-xít, ông Mít Rôm-ni. Như vậy chỉ còn hai ứng cử viên "nặng ký" chức Tổng thống Mỹ là Tổng thống đương nhiệm B.Ô-ba-ma và cựu Thống đốc bang M.Rôm-ni.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa M.Rôm-ni với các cử tri nữ. Ảnh: Internet |
Ngay từ khi Ủy ban bầu cử "mở" sổ ghi danh các ứng cử viên tổng thống, ông B.Ô-ba-ma đã tuyên bố là người đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử chức này. Mặc dù đảng Dân chủ chưa tổ chức đại hội, ông B.Ô-ba-ma đã tiến hành vận động tranh cử. Nhưng phía đảng Cộng hòa đối lập, việc lựa chọn người để "gửi vàng" vào cuộc đua quan trọng này diễn ra căng thẳng và phức tạp. Đã có ít nhất mười "nhân vật có tiếng" của đảng này ghi tên ra tranh cử. Sau các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở 20 bang, đã có sáu người "xin rút" khỏi cuộc đua. Trong số bốn "tay đua" còn lại, các ông M.Rôm-ni và Rích Xan-tơ-rum liên tục đổi ngôi vị trí đầu bảng tại các cuộc bầu cử sơ bộ ở 17 bang tiếp theo. Ông R.Xan-tơ-rum giành chiến thắng ở 11 bang và nhận được hơn 270 phiếu đại cử tri. Ông M.Rôm-ni chiến thắng tại 18 bang và một đặc khu hành chính, được hơn 600 phiếu đại cử tri. Hai ứng cử viên khác là các ông Niu Ginh-rích, cựu Chủ tịch Hạ viện và Rôn Pôn, nghị sĩ bang Tếch-dát luôn luôn ở vị trí cuối bảng và đã được nhiều thành viên của đảng Cộng hòa khuyên nên rút lui, để hàn gắn sự đoàn kết trong đảng. Nhưng cả hai nhân vật này tuyên bố "sẽ chiến đấu đến cùng". Tình hình căng thẳng này khiến "các bô lão" của đảng bàn tính với nhau về kế hoạch "thay ngựa giữa dòng".
Trong lúc đảng Cộng hòa đang bị chia rẽ, ngày 10-4, ông R.Xan-tơ-rum bất ngờ tuyên bố ngừng chiến dịch tranh cử tổng thống, vì không có khả năng tài chính, vì cuộc đua đã trở thành "quá sức đối với tôi". Theo báo chí Mỹ, quyết định của ông Xan-tơ-rum còn vì ông phải chăm sóc cho cô con gái út mới ba tuổi tên là Ben-la đang điều trị tại bệnh viện do bị mắc căn bệnh rối loạn gien hiếm gặp có tên Trisomy 18. Việc ông Xan-tơ-rum bỏ cuộc đã tạo điều kiện cho ông M.Rôm-ni dễ dàng giành chiến thắng tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa. Có cơ sở là vào lúc ông R.Xan-tơ-rum tuyên bố ngừng tranh đua, báo Bưu điện Oa-sinh-tơn và hãng ABC công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận cho thấy, có 52% số người của đảng Cộng hòa nói rằng, ông Xan-tơ-rum nên tiếp tục chiến dịch tranh cử. Bản thân ông M. Rôm-ni cũng có những nhận xét tốt về đối thủ chính của mình. Nhưng ông Xan-tơ-rum không nói sẽ ủng hộ ai trong số ba ứng cử viên của đảng. Tuy nhiên, Ủy ban vận động tranh cử của ông M.Rôm-ni đã lập tức liên hệ với đại diện của ông Xan-tơ-rum để dàn xếp một cuộc gặp vì mục đích trên. Trong khi đó, ứng viên Ginh-rích kêu gọi những người ủng hộ ông Xan-tơ-rum quay sang ủng hộ mình.
Cho dù có giành được vị trí đại diện của đảng Cộng hòa, thì ông M. Rôm-ni vẫn ở "cơ dưới" trong cuộc đua với Tổng thống đương nhiệm B.Ô-ba-ma trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 6-11 tới. Ông M.Rôm-ni ở vị trí đảng đối lập. Bản thân ông M.Rôm-ni được cho là đang mất rất nhiều điểm trong giới cử tri nữ. Hơn nữa, việc phe Cộng hòa công kích chính sách của chính quyền Ô-ba-ma, bất chấp thực tế là nền kinh tế Mỹ đang phục hồi, tỷ lệ người thất nghiệp đang có xu hướng giảm càng làm cho đại diện của mình mất điểm. Kết quả thăm dò do báo Bưu điện Oa-sinh-tơn và hãng ABC News công bố mới đây cho thấy, có 51% số cử tri Mỹ chọn đương kim Tổng thống B.Ô-ba-ma so với 43% chọn ông M.Rôm-ni. Kết quả cuộc thăm dò do CNN/ORC cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Ô-ba-ma và ông Rôm-ni là 53%/34%. Kết quả một số cuộc thăm dò dư luận khác lại cho thấy, hai ông này đang bám đuổi nhau sít sao. Cương lĩnh tranh cử của ông Ô-ba-ma và ông Rôm-ni khác xa nhau, thậm chí đối lập nhau. Điều này báo hiệu cuộc đua giành ghế ông chủ Nhà trắng thứ 45 giữa ông B.Ô-ba-ma và ông M.Rôm-ni sẽ diễn ra quyết liệt và chưa ai dám dự báo trước người chiến thắng./.
Theo: nhandan.com.vn