Mỹ đã đề xuất cung cấp các loại vũ khí tân tiến cho I-xra-en để đổi lấy việc Ten A-víp cam kết không tấn công các cơ sở hạt nhân của I-ran trong năm 2012. Thông tin trên đã được tiết lộ trên nhật báo Maariv của I-xra-en số ra ngày 8-3.
Dẫn lời các nhà ngoại giao phương Tây và các nguồn tình báo giấu tên, nhật báo Maariv cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm Oa-sinh-tơn vừa qua của Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu), chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma đã đề xuất cung cấp cho I-xra-en các loại bom phá boong-ke tân tiến và máy bay tiếp nhiên liệu hoạt động tầm xa. Đổi lại, Ten A-víp sẽ đồng ý trì hoãn kế hoạch tấn công I-ran cho tới năm 2013, khi các cuộc bầu cử ở Mỹ diễn ra tháng 11-2012 hoàn tất.
Trong cuộc gặp Tổng thống Ô-ba-ma tại Nhà trắng ngày 5-3, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu (bên trái) khẳng định không sớm thì muộn, I-xra-en cũng tấn công I-ran. Ảnh: Roi-tơ |
Theo bài báo, hiện nay Mỹ và I-xra-en đang bất đồng về cách thức đối phó với mối đe dọa I-ran, khi ông Nê-ta-ni-a-hu cho rằng, các biện pháp trừng phạt I-ran không có tác dụng và "không ai có thể đợi thêm được nữa". Khác biệt lớn giữa Oa-sinh-tơn và Ten A-víp chính là thời điểm tiến hành tấn công quân sự nhằm vào I-ran. Chính quyền Ô-ba-ma cho rằng, hiện không phải là lúc hành động quân sự. Oa-sinh-tơn lo ngại một cuộc tấn công phủ đầu từ I-xra-en nhằm vào I-ran có thể gây ra những phản ứng giận dữ từ phía I-ran, kích hoạt tình trạng rối loạn trong khu vực, đe dọa các binh lính Mỹ tại khu vực này và đẩy Oa-sinh-tơn vào một cuộc chiến tranh mới. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa rõ I-xra-en có đủ tiềm lực quân sự để chấm dứt cái mà nước này cho là "I-ran đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân" hay không. Theo Oa-sinh-tơn, nên để cho các biện pháp trừng phạt kinh tế mới có thời gian phát huy tác dụng. Chính quyền Mỹ cho rằng, họ có tới một năm để quyết định về cách phản ứng nếu I-ran quyết định bắt đầu làm giàu urani ở cấp độ có thể chế tạo vũ khí (hơn 90%).
Tuy nhiên, I-xra-en không nhất trí với thời gian đó. Trong cuộc hội đàm với ông Ô-ba-ma tại Nhà trắng, ông Nê-ta-ni-a-hu nói: "I-xra-en cần phải duy trì khả năng tự vệ trước bất kỳ mối đe dọa nào. Đó là lý do tại sao trách nhiệm lớn nhất của tôi, trên cương vị là Thủ tướng của I-xra-en, là phải đảm bảo rằng I-xra-en sẽ làm chủ vận mệnh của mình". I-xra-en coi việc I-ran có vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa đối với sự tồn tại của Nhà nước Do Thái.
Thông tin về vụ “đổi chác” giữa Oa-sinh-tơn và Ten A-víp được đưa ra chỉ một ngày sau khi nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đề xuất nối lại các cuộc đàm phán sau nhiều tháng căng thẳng bởi những bản báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng, I-ran có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đưa ra ngày cụ thể của cuộc họp này. Ủy viên châu Âu phụ trách đối ngoại, bà Ca-thơ-rin A-stơn (Catherine Ashton) bày tỏ hy vọng, I-ran sẽ tham gia đối thoại với tinh thần xây dựng nhằm đạt được những bước tiến thực sự trong việc giải tỏa những quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Về phía I-ran, Chủ tịch Quốc hội A-li La-ri-gia-ni (Ali Larijani) cũng nhắn gửi tới các nước phương Tây thông điệp rằng, cuộc đàm phán sẽ không thể thành công nếu I-ran phải chịu sức ép từ các biện pháp cấm vận kinh tế.